Có nên lấy tủy răng ở trẻ em không là mối bận tâm hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh. Được biết, phương pháp này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nên vẫn được chỉ định trong một số trường hợp cần thiết như răng bị lộ tủy do chấn thương, viêm tủy răng không hồi phục, hoại tử tủy,…
Có nên lấy tủy răng ở trẻ em không?
Lấy tủy răng (diệt tủy răng) là kỹ thuật nha khoa được thực hiện nhằm loại bỏ phần tủy răng bị viêm nhiễm để ngăn chặn vi khuẩn lây lan sang các cơ quan kế cận. Bên cạnh tác dụng kiểm soát nhiễm trùng, lấy tủy răng còn giúp bảo tồn răng, ngăn không cho vi khuẩn tấn công và làm hư hại men răng, ngà răng.
Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp viêm tủy răng không hồi phục. Viêm tủy răng là một trong những bệnh lý nha khoa thường gặp. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào khoang tủy gây viêm nhiễm tủy dẫn đến ê buốt và đau nhức dữ dội. Nếu không kịp thời phát hiện, viêm tủy răng sẽ chuyển sang giai đoạn cấp tính và mãn tính. Lúc này, tủy răng đã bị hư hại nặng, không còn khả năng hồi phục nên lựa chọn ưu tiên là diệt tủy răng.
Tủy răng là một trong ba bộ phận quan trọng của răng. Tủy có chức năng dẫn truyền cảm giác khi ăn uống và nuôi dưỡng ngà răng. Khi tủy bị loại bỏ, răng dễ bị suy yếu, men răng ngả màu, chân răng dễ lung lay và tổn thương hơn so với bình thường. Do đó, nhiều phụ huynh lo ngại và băn khoăn về vấn đề “Có nên lấy tủy răng ở trẻ em không?”.
Theo các bác sĩ Răng hàm mặt, răng của trẻ em là hệ răng sữa và răng hỗn hợp (bao gồm cả răng sữa và răng vĩnh viễn), cấu tạo của răng chưa hoàn chỉnh và chưa có ý thức giữ vệ sinh răng miệng nên dễ mắc phải các bệnh nha khoa. Tương tự như người trưởng thành, trẻ em cũng có thể được chỉ định lấy tủy răng trong một số trường hợp.
1. Trường hợp trẻ nên lấy tủy răng
Lấy tủy răng kịp thời có thể bảo tồn răng và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan sang những cơ quan khỏe mạnh. Đối với trẻ nhỏ, loại bỏ tủy răng sẽ giúp hạn chế nguy cơ phải nhổ bỏ răng sữa sớm. Điều này khiến xương ổ răng có khoảng trống dẫn đến răng mọc lệch lạc, khấp khểnh, cung xương hàm kém phát triển và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thay răng.
Ngoài ra, chậm trễ không lấy tủy răng còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang và viêm amidan do vi khuẩn lây lan rộng. Việc lấy tủy không ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn. Do đó, phương pháp này có thể được chỉ định trong một số trường hợp cần thiết như:
- Răng sâu vào tủy khiến tủy viêm nhiễm, không còn khả năng hồi phục
- Chấn thương mạnh khiến răng sứt mẻ, lộ tủy
- Viêm tủy răng tiến triển gây hoại tử tủy hoàn toàn
Khi nhận thấy các triệu chứng của viêm tủy răng ở trẻ nhỏ, phụ huynh nên đưa trẻ đến phòng khám để được chẩn đoán và tư vấn điều trị. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà chưa tham vấn y khoa. Nếu không xử lý triệt để viêm tủy răng ở răng sữa, răng vĩnh viễn mọc ở vị trí này sẽ có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề nha khoa.
2. Trường hợp không nên lấy tủy răng
Lấy tủy răng là giải pháp tối ưu trong điều trị viêm tủy răng ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phương pháp này không được chỉ định.
Các trường hợp không nên lấy tủy răng:
- Trẻ bị viêm tủy răng nhẹ, tủy răng có khả năng hồi phục. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ trám bít khoang tủy bằng Ca(OH)2 để kiểm soát viêm nhiễm và tạo điều kiện thuận lợi để tủy răng tái tạo, phục hồi hoàn toàn.
- Lấy tủy răng cũng không được chỉ định nếu răng của trẻ bị hư hại nhiều và có chỉ định nhổ. Trong trường hợp này, chữa tủy không thể bảo tồn răng nên lựa chọn tối ưu là nhổ bỏ răng.
- Trẻ bị dị ứng thuốc tê, thuốc gây mê, mắc các bệnh về máu và tim mạch thường không được chỉ định lấy tủy răng do có thể gặp phải một số tình huống rủi ro và tác dụng không mong muốn.
Có thể thấy, lấy tủy răng ở trẻ em không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của răng vĩnh viễn và sức khỏe. Ngược lại, loại bỏ tủy răng kịp thời còn giúp kiểm soát viêm nhiễm và phòng ngừa nguy cơ phải nhổ bỏ răng. Để được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt.
Quy trình lấy tủy răng ở trẻ em
Trong trường hợp viêm tủy răng không hồi phục, chân răng chưa bị tổn thương và hư hại nhiều, trẻ sẽ được chỉ định lấy tủy răng. Tương tự như người trưởng thành, chữa tủy răng ở trẻ em cũng diễn ra theo trình tự như sau:
Bước 1: Khám và chụp X-Quang
Trước khi chỉ định lấy tủy, bác sĩ sẽ tiến hành khám răng miệng và chụp X-Quang răng hàm để xác định vị trí và mức độ tổn thương của răng. Ngoài ra, phim X-Quang còn giúp bác sĩ đánh giá cấu trúc răng và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.
Bước 2: Vệ sinh khoang miệng và gây tê
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh khoang miệng để làm sạch cao răng, mảng bám và loại bỏ vi khuẩn có hại. Đây là bước quan trọng giúp quá trình chữa tủy răng diễn ra thuận lợi, tránh rủi ro và biến chứng. Sau khi vệ sinh khoang miệng, bác sĩ sẽ gây tê để giảm cảm giác đau nhức trong quá trình thực hiện.
Bước 3: Đặt đê cao su
Đê cao su là dụng cụ được sử dụng phổ biến trong các thủ thuật nha khoa. Dụng cụ này được đặt ôm sát vào răng nhằm cách ly răng cần điều trị với vi khuẩn và nước bọt trong khoang miệng. Ngoài ra, đê cao su còn ngăn không cho dị vật rơi vào thanh quản và thực quản trong quá trình lấy tủy.
Bước 4: Lấy tủy răng
Khi thuốc tê đã phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ để mở đường từ bề mặt răng đến ống tủy. Sau đó, dùng trâm tay hoặc trâm máy hút sạch phần tủy bị viêm nhiễm ra bên ngoài. Bơm rửa nhiều lần với nước ấm để chắc chắc không bị sót tủy. Kế tiếp, bác sĩ sẽ sát trùng khoang tủy và làm khô để chuẩn bị cho quá trình trám bít.
Bước 5: Trám bít khoang tủy
Bước cuối cùng, bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu nhân tạo (thường là nhựa gutta percha) để trám bít ống tủy nhằm ngăn không cho vi khuẩn từ men răng, ngà răng xâm nhập vào. Đồng thời ngăn tình trạng vi khuẩn đi ngược từ mô nướu vào khoang tủy, sau đó phá hủy ngà răng và men răng.
Đối với răng có lỗ sâu lớn, bác sĩ sẽ tiến hành trám bít lỗ sâu cùng với khoang tủy để bảo vệ răng. Răng sau khi lấy tủy vẫn có chức năng ăn nhai như bình thường. Vì trẻ sẽ thay răng sau một thời gian ngắn nên bác sĩ thường không khuyến khích bọc mão răng sứ để bảo vệ và tăng tuổi thọ cho răng như người trưởng thành.
Cách chăm sóc trẻ sau khi lấy tủy răng
Tủy răng là cơ quan chịu trách nhiệm dẫn truyền cảm giác và nuôi dưỡng ngà răng. Do đó sau khi lấy tủy răng, phụ huynh cần lên kế hoạch chăm sóc phù hợp để tránh tình trạng răng bị hư hại, suy yếu.
Cách chăm sóc sau khi lấy tủy răng ở trẻ em:
- Sau khi lấy tủy, răng sẽ bị đau nhức và ê buốt nhẹ. Lúc này, phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm cảm giác khó chịu cho trẻ như chườm đá, dùng thuốc giảm đau,…
- Hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách và chú ý thao tác nhẹ nhàng – nhất là với răng vừa chữa tủy. Đánh răng quá mạnh có thể làm bong miếng trám, đồng thời kích thích cảm giác đau nhức và ê buốt.
- Cho trẻ sử dụng nước súc miệng và chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng tối đa. Giữ vệ sinh răng miệng sau khi chữa tủy sẽ giúp hạn chế tác động của vi khuẩn lên răng tổn thương. Qua đó giúp răng khỏe mạnh, hạn chế tình trạng răng suy yếu và lung lay dần theo thời gian.
- Trong khoảng 3 – 5 ngày đầu sau khi chữa tủy, nên cho trẻ dùng các món ăn mềm, nguội và dễ nhai để giảm tác động lên răng bị lấy tủy. Ngoài ra, nên dặn dò trẻ hạn chế nhai thường xuyên bằng răng ở vị trí này.
- Hạn chế lượng đường trong chế độ ăn của con trẻ. Sử dụng quá nhiều đường có thể khiến sức khỏe răng miệng suy giảm và gây tổn thương răng bị lấy tủy.
- Cho trẻ khám nha khoa định kỳ 3 – 6 tháng/ lần để được kiểm tra sức khỏe răng miệng và kịp thời điều trị khi có các vấn đề bất thường.
Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Có nên lấy tủy răng ở trẻ em không?” và đề cập một số vấn đề có liên quan. Thực tế, lấy tủy răng chỉ được thực hiện ở những trường hợp cần thiết. Do đó, phụ huynh nên đưa con trẻ đến bệnh viện/ phòng khám để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm Tủy Răng Uống Thuốc Gì Giảm Đau Nhanh, Chóng Khỏi?
Tủy Răng Là Gì? Cấu Tạo Và Chức Năng Của Tủy Răng
5 Cách điều trị sún răng cho trẻ an toàn hiệu quả
Trẻ bị viêm lợi và sốt nguy hiểm không? Cách trị an toàn cho bé
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!