Chữa tủy răng nên ăn gì, kiêng gì là vấn đề cần nắm bắt. Bởi chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể đẩy nhanh tốc độ hồi phục, giảm cơn đau và cảm giác khó chịu. Ngoài ra, ăn uống điều độ còn giúp tăng độ chắc khỏe của men răng và ngà răng.
Chữa tủy răng (điều trị nội nha) là một trong những phương pháp điều trị viêm tủy răng. Phương pháp này được thực hiện bằng cách loại bỏ phần tủy bị hoại tử, vô khuẩn khoang tủy và trám bít lại bằng vật liệu nhân tạo. Điều trị nội nha có thể kiểm soát triệt để hiện tượng viêm nhiễm và bảo tồn chức năng của răng.
Tuy nhiên sau khi điều trị tủy, bạn cần xây dựng chế độ ăn hợp lý để vết trám được cố định hoàn toàn, tránh hiện tượng bong và sứt mẻ. Ngoài ra, ăn uống hợp lý còn giúp hạn chế kích thích lên phần mô nướu xung quanh răng bị tổn thương.
Tủy là cơ quan nuôi dưỡng men răng và ngà răng. Do đó khi tủy bị loại bỏ, răng dễ bị suy yếu, giòn và trở nên nhạy cảm hơn. Vì vậy sau khi chữa tủy, chế độ ăn uống còn có vai trò tái khoáng men răng, ngăn ngừa sâu răng và các bệnh lý nha khoa thường gặp.
Sau khi chữa tủy răng nên ăn gì?
Khi tủy răng được loại bỏ, răng sẽ hoàn toàn mất cảm giác nên hầu như không bị đau nhức hay khó chịu khi ăn uống. Tuy nhiên, tủy răng bị loại bỏ cũng đồng nghĩa với việc răng không được nuôi dưỡng và dễ bị tổn thương. Vì vậy sau khi chữa tủy, bạn nên bổ sung các món ăn, thực phẩm sau:
1. Món ăn mềm, dễ nhai nuốt
Để giảm áp lực lên răng, bạn nên dùng các món ăn mềm, dễ nhai nuốt như cháo, bún, miến, cơm, canh, các món luộc hoặc hầm mềm nhừ. Các món ăn này có kết cấu mềm nên hầu như không gây kích thích lên răng và mô nướu bị tổn thương. Hơn nữa sau khi bị viêm tủy răng, cơ thể thường có xu hướng mệt mỏi, uể oải nên chức năng tiêu hóa cũng kém hơn bình thường. Dùng các món ăn còn hỗ trợ điều hòa chức năng của dạ dày và đường ruột.
Sau khi răng ổn định, bạn vẫn nên giữ thói quen dùng thức ăn mềm dể giảm tác động lên răng để bảo tồn răng, tránh tình trạng răng nứt và sứt mẻ. Các món ăn mềm, dễ nhai nuốt còn được khuyến khích dùng sau khi nhổ răng và can thiệp các thủ thuật nha khoa khác.
2. Rau xanh và trái cây
Rau xanh, trái cây là một trong những nhóm thực phẩm nên bổ sung sau khi chữa tủy răng. Nhóm thực phẩm này là nguồn cung cấp chất xơ cùng với khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa dồi dào. Các chất khoáng trong hoa quả, rau xanh có khả năng tái khoáng men răng, bù lấp những lỗ sâu li ti và giúp bảo vệ răng tốt hơn.
Chất xơ tự nhiên trong rau xanh, trái cây còn có tác dụng làm sạch, ngăn ngừa mảng bám trong các rãnh nhai và kẽ răng. Hơn nữa, các loại thực phẩm giàu chất xơ thường độ pH kiềm. Vì vậy khi bổ sung các nhóm thực phẩm này, các sản phẩm axit từ vi khuẩn cũng được trung hòa đáng kể (axit do vi khuẩn bài tiết là nguyên nhân gây hòa tan men răng và ngà răng).
Tất cả các loại rau xanh đều tốt cho răng miệng. Tuy nhiên với trái cây, nên lựa chọn các loại quả không chứa axit như bơ, thanh long, táo, lê, dưa gang, dưa lưới,… Hạn chế dùng trái cây chứa hàm lượng axit cao như cam, quýt và bưởi.
3. Thực phẩm giàu vitamin C
Sau khi chữa tủy răng, bạn nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C. Vitamin C là thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể – đặc biệt là hệ miễn dịch. Bổ sung loại vitamin này có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục sau khi điều trị nội nha.
Ngoài ra, cung cấp đầy đủ vitamin C còn giúp nâng cao chức năng đề kháng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người có hệ miễn dịch tốt thường ít gặp phải các vấn đề nha khoa. Ngược lại người có thể trạng kém dễ bị sâu răng, viêm tủy răng, áp xe răng, viêm nha chu,…
4. Thực phẩm giàu khoáng chất
Khoáng chất là thành phần cấu tạo chính của men răng và ngà răng. Vì vậy sau khi chữa tủy, bạn nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất khoáng để cải thiện độ chắc khỏe của răng, hạn chế sâu răng và viêm tủy răng tái phát. Hơn nữa, cung cấp đủ khoáng chất còn giúp răng chắc khỏe, hạn chế tình trạng răng giòn và dễ suy yếu.
Các loại thực phẩm giàu khoáng chất tốt răng sau khi điều trị tủy bao gồm hàu, tôm, mực, thịt cua, ghẹ, nấm, trứng,… Mỗi tuần bạn nên bổ sung khoảng 2 – 3 lần nhóm thực phẩm này để duy trì độ chắc khỏe cho răng, đồng thời cải thiện tóc và móng.
5. Nên bổ sung sữa chua sau khi điều trị tủy
Sau khi điều trị tủy, mô nướu xung quanh có thể trở nên nhạy cảm và sưng viêm nhẹ. Để giảm tình trạng này, bạn có thể chườm đá, ngậm đá lạnh hoặc dùng sữa chua. Với nhiệt độ mát, sữa chua giúp làm dịu cảm giác đau nhức và sưng nóng ở mô nướu.
Ngoài tác dụng làm dịu cơn đau và triệu chứng khó chịu đi kèm, sữa chua còn cung cấp cho cơ thể đạm, khoáng chất, vitamin và lợi khuẩn (probiotic). Sữa chua còn có kết cấu mềm nên hoàn toàn không làm tăng áp lực lên răng hàm trong quá trình ăn uống.
Cần kiêng ăn gì sau khi chữa tủy răng?
Sau khi chữa tủy răng, răng trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn so với bình thường. Chính vì vậy bên cạnh các nhóm thực phẩm nên bổ sung, bạn cũng nên hạn chế một số loại món ăn và đồ uống.
1. Hạn chế thực phẩm giàu tinh bột và đường
Carbohydrate là thành phần dinh dưỡng cần thiết giúp cơ thể sinh trưởng, phát triển và duy trì sự sống. Tuy nhiên, thành phần này chính là nguồn dinh dưỡng ưa thích của vi khuẩn trong khoang miệng – đặc biệt Streptococcus mutans (vi khuẩn gây sâu răng và viêm tủy răng).
Tinh bột và đường chứa carbohydrate cao. Do đó để ngăn ngừa các vấn đề nha khoa ở răng sau khi điều trị tủy, bạn nên hạn chế các món ăn chứa quá nhiều đường như mứt, bánh kẹo, trái cây sấy, nước ngọt có gas,… Với ngũ cốc, nên lựa chọn các loại ngũ cốc chứa tinh bột và chất xơ để giảm hình thành mảng bám như gạo lứt, yến mạch,…
Thường xuyên dùng thức ăn chứa đường, tinh bột khiến số lượng hại khuẩn trong khoang miệng tăng lên đáng kể. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hồi phục của mô nướu và răng bị tổn thương. Vì vậy, bạn nên cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
2. Nên kiêng nước ngọt có gas sau khi chữa tủy răng
Không chỉ chứa hàm lượng đường cao, nước ngọt có gas còn chứa phosphoric và axit citric có thể ăn mòn men răng. Đối với răng sau khi chữa tủy, men răng không được nuôi dưỡng thường xuyên nên dễ bị tổn thương hơn. Nếu thường xuyên dùng thức uống có gas, răng rất dễ bị sâu, hư hại, đổi màu hoặc thậm chí là lung lay.
Nước ngọt có gas thường có độ pH axit (khoảng 3 – 4). Điều này khiến cho môi trường sinh lý trong khoang miệng bị rối loạn, quá trình hủy khoáng diễn ra nhanh hơn so với tái khoáng men răng. Hậu quả là khiến răng mất các mô cứng, hình thành lỗ sâu lởm chởm và dễ ố màu. Vì những lý do trên, bạn nên kiêng nước ngọt có gas sau khi chữa tủy răng.
3. Đồ uống chứa cồn
Ít người biết rằng, ngoài nước ngọt có gas, đồ uống chứa cồn cũng là thức uống có hại cho sức khỏe răng miệng. Cụ thể, rượu bia thường có độ pH axit có khả năng mài mòn men răng vầ gây rối loạn môi trường sinh lý tự nhiên của khoang miệng. Ngoài ra, sắc tố chromogens trong rượu vang đỏ còn khiến răng bị ố màu, kém rạng rỡ.
Những loại đồ uống có nồng độ cồn cao như rượu rum, vodka, whiskey,… không chỉ ảnh hưởng đến men răng mà còn làm giảm tiết nước bọt. Nước bọt có vai trò làm sạch mảng bám, thức ăn thừa và trung hòa axit từ vi khuẩn. Hơn nữa, nước bọt còn cung cấp khoáng chất để tái khoáng men răng và bảo vệ răng trước tác động của vi khuẩn.
4. Món ăn cứng
Như đã đề cập, răng sau khi điều trị tủy sẽ trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường. Để bảo tồn răng, bạn nên hạn chế các món ăn khô, cứng như trái cây sấy, gân bò, da,… Khi ăn các món ăn này, răng phải chịu một áp lực lớn. Theo thời gian, men răng có thể bị tổn thương, răng ố màu và lung lay dần.
Dù không phổ biến nhưng đã có trường hợp nứt, mẻ hoặc thậm chí là gãy răng do sử dụng các món ăn khô, cứng. Ngoài những tác hại đối với sức khỏe răng miệng, các món ăn này còn làm tăng áp lực lên dạ dày và đường ruột.
5. Sau khi chữa tủy răng nên kiêng gia vị cay nóng
Gia vị cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt, tỏi,… được sử dụng phổ biến trong các món ăn truyền thống của người Việt. Mặc dù có hương vị đặc trưng và giúp kích thích vị giác nhưng các loại gia vị này có thể kích thích lên răng và mô nướu dẫn đến cảm giác khó chịu.
Sau khi chữa tủy, bạn nên ăn nhạt trong khoảng vài ngày để răng miệng ổn định trở lại. Sau đó, có thể dùng các món ăn chứa nhiều gia vị nhưng nên tránh ăn quá nhiều.
Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Chữa tủy răng nên ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi?”. Ngoài chế độ dinh dưỡng, bạn cũng nên chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách và điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng đang đau có lấy tủy được không?
Răng Bị Chết Tủy Có Nên Nhổ Bỏ Không?
Viêm tủy răng để lâu có sao không? Có gây biến chứng nguy hiểm?
Các loại dụng cụ nội nha điều trị tủy răng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!