Cao răng tích tụ không chỉ gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa mà còn gây ra tình trạng hơi thở có mùi. Do đó, không ít bạn đọc băn khoăn về vấn đề “Cạo vôi răng có hết hôi miệng không?”. Thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về vấn đề này và có các biện pháp chăm sóc răng miệng hiệu quả hơn.
Cạo vôi răng có hết hôi miệng không?
Cao răng (vôi răng) là mảng bám và thức ăn thừa đã được vôi hóa theo thời gian dưới tác động của khoáng chất bên trong nước bọt và axit từ vi khuẩn có hại. Mảng bám sinh học thường có kết cấu mềm, bám nhẹ trên men răng và dễ dàng làm sạch thông qua vệ sinh răng miệng hằng ngày.
Tuy nhiên, vôi răng đã bị khoáng hóa nên có kết cấu rất cứng chắc và hoàn toàn không thể làm sạch bằng chải răng thông thường. Hơn nữa theo thời gian, lượng cao răng sẽ tích tụ nhiều ở bên dưới chân răng gây kích ứng và chảy máu mô nướu. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, vôi răng tích tụ còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hơi thở có mùi. Chính vì vậy, không ít người băn khoăn về vấn đề “Cạo vôi răng có hết hôi miệng không?”.
Thực tế, cao răng chính là nơi trú ngụ của vi khuẩn có hại cùng với mảng bám đã được vôi hóa. Do đó, tích tụ nhiều cao răng trong khoang miệng chính là nguyên nhân gây hôi miệng thường gặp. Việc lấy cao răng định kỳ có thể cải thiện tình trạng hơi thở có mùi và phòng ngừa các vấn đề nha khoa một cách hiệu quả.
Tuy nhiên ngoài cao răng, hôi miệng cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác. Chính vì vậy, lấy cao răng chỉ cải thiện tình trạng hơi thở có mùi do vệ sinh răng miệng không đúng cách khiến mảng bám và cao răng tích tụ. Trong trường hợp xảy ra do những nguyên nhân khác, tình trạng hơi thở có mùi gần như không cải thiện sau khi cạo bỏ vôi răng.
Các biện pháp cải thiện, phòng ngừa hôi miệng
Hôi miệng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng gây ra không ít phiền toái khi sinh hoạt và đặc biệt là giao tiếp. Nếu tình trạng hơi thở có mùi dai dẳng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để cải thiện và phòng ngừa.
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Mảng bám, vôi răng tích tụ là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Do đó, biện pháp đầu tiên nên thực hiện để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi là vệ sinh răng miệng đúng cách. Biện pháp này còn giúp giữ răng trắng sáng, khỏe mạnh và hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa.
Các biện pháp vệ sinh răng miệng giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng hôi miệng:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch mảng bám và thức ăn thừa. Khi chải răng, cần thao tác đúng cách để đảm bảo làm sạch toàn bộ mặt nhai, mặt trong và mặt ngoài của răng. Bên cạnh đó, nên thay bàn chải định kỳ 3 tháng/ lần để đảm bảo hiệu quả làm sạch và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển quá mức trên lông chải.
- Sử dụng nước súc miệng chứa thành phần diệt khuẩn để ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Ngoài ra, bạn nên dùng các sản phẩm chứa chiết xuất bạc hà, baking soda, hương thảo,… để khử mùi hôi trong khoang miệng.
- Chải răng không thể làm sạch thức ăn thừa và mảng bám bên trong kẽ răng. Do đó ngoài chải răng, bạn nên sử dụng chỉ nha khoa 1 – 2 lần/ ngày để đảm bảo răng miệng được làm sạch hoàn toàn.
- Sau các bữa ăn nhẹ, có thể làm sạch răng miệng bằng cách súc miệng và nhai kẹo cao su không đường. Hoặc có thể dùng các loại hoa quả chứa nhiều chất xơ để làm sạch mảng bám và ngăn ngừa hôi miệng như quả táo, lê, dưa hấu, quả thơm,…
- Ngoài các biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà, bạn cũng cần đến nha khoa cạo vôi răng 1 – 2 lần/ năm. Nếu mắc viêm nha chu, nên cạo vôi răng thường xuyên hơn khoảng 3 – 4 tháng/ lần.
2. Chú ý chế độ ăn uống
Dùng thức ăn có mùi mạnh hoặc các món ăn gia tăng hại khuẩn trong khoang miệng đều có thể gây hôi miệng. Hơn nữa, thói quen ăn uống không hợp lý còn tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa. Do đó bên cạnh vệ sinh răng miệng đúng cách, bạn cũng nên chú ý đến thói quen ăn uống.
- Hạn chế dùng các loại thực phẩm nặng mùi như hành tây, tỏi, hành tím, cá, hải sản, các món ăn nhiều dầu mỡ và gia vị.
- Giảm sử dụng thức uống và thực phẩm chứa nhiều đường. Dù không có mùi mạnh nhưng đường làm gia tăng số lượng vi khuẩn trong khoang miệng. Chính vì vậy, sử dụng đồ uống và món ăn chứa nhiều đường cũng gia tăng nguy cơ bị hôi miệng.
- Sữa và chế phẩm từ sữa cũng có thể khiến khoang miệng có mùi hôi khó chịu. Vì vậy, bạn cần súc miệng kỹ sau khi dùng các món ăn được chế biến từ sữa.
- Hạn chế dùng quá nhiều cà phê, trà đặc và rượu bia. Các loại thức uống này làm giảm khả năng tiết nước bọt. Chính vì vậy, vi khuẩn có hại bên trong khoang miệng sẽ phát triển quá mức gây hôi miệng và nhiều vấn đề nha khoa khác.
- Tăng cường bổ sung rau xanh và các loại thực phẩm giàu chất xơ như cà rốt, bí đao, táo, mía,… để làm sạch mảng bám trong khoang miệng một cách tự nhiên. Ngoài ra, độ pH kiềm từ rau xanh góp phần trung hòa axit trong nước bọt và ngăn ngừa các bệnh lý nha khoa hiệu quả.
- Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế hút thuốc lá để phòng ngừa tình trạng hôi miệng và răng ngả màu.
3. Điều trị triệt để các bệnh lý nha khoa
Ngoài thói quen ăn uống và sinh hoạt, hôi miệng cũng có thể xảy ra do các bệnh lý nha khoa. Nếu nhận thấy tình trạng hơi thở có mùi vẫn không cải thiện khi vệ sinh răng miệng đúng cách và điều chỉnh thói quen ăn uống, bạn nên đến nha khoa kiểm tra để phát hiện và điều trị các vấn đề răng miệng.
Hôi miệng thường xảy ra do viêm nha chu, viêm nướu răng, sâu răng nặng, viêm tủy, răng chết tủy,… Các bệnh lý này đều làm tăng số lượng hại khuẩn bên trong khoang miệng. Do đó khi điều trị dứt điểm các vấn đề nha khoa, tình trạng hơi thở có mùi sẽ được cải thiện đáng kể.
4. Uống nhiều nước
Một cách đơn giản nhất để cải thiện tình trạng hôi miệng là uống nhiều nước. Khi uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, khoang miệng sẽ tiết nước bọt khi ăn uống để làm mềm thức ăn và hạn chế tình tạng tích tụ mảng bám, cao răng. Trong khi đó, những người uống ít nước thường bị khô miệng và dễ gặp phải tình trạng hơi thở có mùi.
Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường bổ sung nước khi dùng rượu bia và các loại thuốc gây giảm tiết nước bọt để phòng ngừa hôi miệng. Uống đủ nước còn giúp đẩy nhanh quá trình tái khoáng men răng và giảm nguy cơ mắc các bệnh nha khoa đáng kể.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Cạo vôi răng có hết hôi miệng không?” và một số biện pháp giúp kiểm soát, phòng ngừa tình trạng hơi thở có mùi hiệu quả. Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đọc có thể hiểu rõ về lợi ích của việc lấy cao răng định kỳ và biết cách chăm sóc răng miệng hiệu quả hơn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Lấy cao răng bị hở chân răng: Cách chăm sóc điều trị hồi phục
Top 10 Cách Lấy Cao Răng Tại Nhà Hiệu Quả Dễ Thực Hiện
Phụ nữ đang mang thai có nên cạo vôi răng không?
Sau khi sinh bao lâu thì đi cạo vôi răng được?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!