Các mẹo chữa sâu răng bằng lá, thân và rễ lá lốt được áp dụng khá phổ biến. Cách chữa này tận dụng đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn của thảo dược để ngăn sự phát triển của vi khuẩn, hỗ trợ giảm đau nhức, ê buốt và cải thiện hơi thở có mùi.
Sâu răng là bệnh nha khoa phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh lý này xảy ra khi răng xuất hiện nhiều mảng bám, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh và gây hòa tan các mô cứng của men răng, ngà răng. Hậu quả là răng xuất hiện các lỗ sâu với kích thước lớn dần theo thời gian.
Ban đầu, sâu răng không gây đau nhức hay khó chịu. Tuy nhiên sau một thời gian tiến triển, vi khuẩn tấn công vào phần ngà răng dẫn đến đau âm ỉ hoặc dữ dội, răng ê buốt và khó chịu khi ăn uống. Sâu răng không được điều trị còn có thể gây viêm tủy răng, viêm quanh chóp răng, tăng nguy cơ viêm nha chu và tiêu ổ xương hàm.
Tìm hiểu tác dụng chữa sâu răng của cây lá lốt
Bên cạnh các phương pháp y tế, nhiều người còn áp dụng thêm một số mẹo điều trị sâu răng từ thảo dược tự nhiên. Trong đó, cách chữa từ cây lá lốt được áp dụng khá phổ biến. Lá lốt là loại rau ăn quen thuộc của người Việt, thường được trồng xung quanh nhà nên được tận dụng để giảm nhanh cơn đau và cảm giác ê buốt do sâu răng gây ra.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá lốt có vị cay nồng, tính ấm, mùi thơm đặc trưng, tác dụng ôn trung tán hàn, chỉ thống và hạ khí. Với công năng và dược tính đa dạng, thảo dược này được sử dụng trong các bài thuốc trị ra mồ hôi tay chân, rối loạn tiêu hóa và đau nhức răng.
Ngoài những ghi chép từ y học cổ truyền, tác dụng chữa bệnh của lá lốt cũng đã được nghiên cứu trên phương diện khoa học. Cụ thể, các chuyên gia nhận thấy, hoạt chất Benzyl Axetat trong thảo dược này có khả năng tiêu viêm, giảm phù nề và kháng khuẩn tốt. Vì vậy, áp dụng một số mẹo chữa sâu răng từ lá lốt có thể giảm phần nào cảm giác đau, ê buốt và hỗ trợ ngăn sâu răng tiến triển nặng.
Cách chữa sâu răng bằng lá, rễ lá lốt đơn giản, an toàn
Toàn bộ cây lá lốt đều có dược tính nên được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Đối với bệnh sâu răng, nhân dân dùng cả lá lốt, thân nhánh và rễ lá lốt. Dưới đây là một số mẹo đơn giản bạn có thể cân nhắc áp dụng:
1. Súc miệng bằng nước lá lốt
Súc miệng bằng nước sắc lá lốt là cách đơn giản để giảm nhanh cơn đau và các triệu chứng khó chịu do sâu răng gây ra. Cách chữa này cũng được áp dụng để cải thiện tình trạng chảy máu chân răng, mô lợi sưng và đau nhức do bệnh viêm lợi và viêm nha chu.
Ngoài tác dụng kháng khuẩn và tiêu viêm, lá lốt còn chứa tinh dầu có mùi thơm đặc trưng với khả năng khử mùi tốt. Vì vậy, súc miệng bằng nước lá lốt thường xuyên còn hỗ trợ cải thiện tình trạng hôi miệng, hơi thở có mùi do ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 1 nắm lá lốt tươi, có thể dùng cả thân và cành
- Đem rửa sạch với nước lạnh và ngâm rửa với nước muối thêm vài lần để đảm bảo nguyên liệu được làm sạch hoàn toàn
- Đun sôi khoảng 300ml nước và cho lá lốt đã được vò xát vào đun sôi trong 3 – 5 phút
- Để nước sắc nguội và dùng để súc miệng 2 – 3 lần/ ngày
- Nên áp dụng thường xuyên để đạt kết quả tốt. Súc miệng bằng nước sắc lá lốt không chỉ có hiệu quả giảm sâu răng mà còn giúp làm sạch khoang miệng và ngăn ngừa các bệnh nha khoa thường gặp khác.
2. Chữa sâu răng bằng rễ lá lốt
So với thân và lá, rễ lá lốt chứa nhiều hợp chất thực vật hơn. Do đó trong trường hợp sâu răng gây đau nhức nhiều, bạn có thể tận dụng rễ lá lốt để cải thiện cơn đau và các triệu chứng khó chịu.
Với đặc tính kháng khuẩn mạnh, mẹo chữa từ rễ lá lốt có thể tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng. Tạo điều kiện thuận lợi để men răng tái khoáng, phục hồi và ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào ngà răng, tủy răng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 1 nắm rễ lá lốt, đem rửa sạch đất cát và để ráo
- Sau đó, đem giã với muối biển và thêm vào 1 ít nước sôi để nguội
- Chắt lấy nước cốt, sau đó dùng tăm bông thấm và chấm lên vùng răng bị răng đau
- Để trong 30 – 60 giây (không được nuốt) và súc miệng lại với nước sạch
- Nên áp dụng đều đặn 2 lần/ ngày trong khoảng 3 – 5 ngày sẽ thấy cơn đau thuyên giảm đáng kể
3. Nhai lá lốt và muối biển
Tinh dầu từ lá lốt bị thất thoát đáng kể sau khi đun sôi. Vì vậy nếu sâu răng gây hôi miệng, ảnh hưởng nhiều đến quá trình giao tiếp và sinh hoạt, bạn có thể sử dụng lá lốt tươi kết hợp với muối biển.
Tương tự như lá lốt, muối biển cũng có tác dụng sát trùng và tiêu viêm. Ngoài ra, muối còn chứa nhiều khoáng chất có lợi cho quá trình tái khoáng như canxi, natri, phốt pho, magie,… Vì vậy, thường xuyên áp dụng cách chữa sâu răng bằng lá lốt và muối biển có thể ngăn lỗ sâu tiến triển, giảm tình trạng hơi thở có mùi và cải thiện đau nhức, ê buốt rõ rệt.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 – 2 lá lốt tươi, đã được làm sạch và để ráo
- Cho vài hạt muối biển vào giữa lá lốt, gói lại và nhai trực tiếp
- Nên nhai từ từ đến khi nước bọt tiết ra và ngậm trong miệng từ 5 – 10 phút để sát khuẩn, giảm đau
- Sau đó, nhổ bỏ và súc miệng thật sạch với nước
Nhai lá lốt và muối biển còn kích thích khoang miệng tiết nhiều nước bọt. Nước bọt được xem là yếu tố phòng ngừa sâu răng hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, các thành phần trong nước bọt giúp trung hòa axit từ vi khuẩn, làm sạch mảng bám và ngăn ngừa hình thành vôi răng. Do đó, bạn nên áp dụng cách chữa này sau bữa ăn khoảng 20 phút để làm sạch khoang miệng và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển mạnh.
Cách chữa sâu răng bằng cây lá lốt có hiệu quả không?
Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp. Trước đây khi chưa có các phương pháp y tế, các mẹo từ thảo dược tự nhiên được áp dụng phổ biến vì có thể giảm mức độ của cơn đau, cảm giác ê buốt, khó chịu và ngăn sâu răng tiến triển hiệu quả.
Tuy nhiên trên thực tế, hiệu quả chữa sâu răng của cây lá lốt tương đối kém. Có thể thấy, mẹo chữa từ thảo dược này chỉ có thể giảm triệu chứng và ngăn chặn sự phát triển quá mức của hại khuẩn, hoàn toàn không thể làm lành ổ sâu và phục hồi được hình dáng, chức năng răng.
Do đó ngoài cách chữa sâu răng bằng lá, rễ cây lá lốt, bạn nên can thiệp phương pháp hàn trám hố sâu và bổ sung fluor để phục hồi hình dáng răng. Đồng thời cung cấp các khoáng chất cần thiết thông qua chế độ dinh dưỡng để tăng cường độ cứng chắc của men răng và ngà răng.
Lưu ý khi dùng cây lá lốt chữa sâu răng
Cách chữa sâu răng bằng cây lá lốt có thể giảm phần nào các triệu chứng khó chịu như đau nhức, ê buốt và cải thiện tình trạng hơi thở có mùi. Tuy nhiên để đạt hiệu quả khi áp dụng mẹo chữa này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Không nên phụ thuộc hoàn toàn vào mẹo chữa sâu răng bằng lá, thân và rễ của cây lá lốt. Vì mẹo chữa này chỉ có tác dụng hỗ trợ, hoàn toàn không thể thay thế cho hiệu quả của các phương pháp y tế.
- Tương tự như các mẹo chữa từ thảo dược tự nhiên khác, chữa sâu răng bằng cây lá lốt có tác dụng khá chậm. Chính vì vậy, bạn nên kiên trì áp dụng trong thời gian dài để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
- Không nên áp dụng mẹo chữa này nếu có tiền sử dị ứng.
- Bên cạnh cách chữa sâu răng bằng lá lốt, nên vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa sâu răng tiến triển. Ngoài ra, chăm sóc răng miệng còn giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa như viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh chân răng,…
Chữa sâu răng bằng cây lá lốt là mẹo đơn giản, dễ thực hiện và có độ an toàn cao. Tuy nhiên, cách chữa này chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy để kiểm soát bệnh hoàn toàn, bạn nên kết hợp với các phương pháp y tế và chăm sóc răng miệng đúng cách.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Lá Gì Chữa Sâu Răng? 5 Loại lá cây trị sâu răng hiệu quả
Sâu răng nên nhổ hay trám?
Sâu Răng Sữa Ở Trẻ: Nguyên nhân, cách xử lý, phòng ngừa
Răng cửa bị sâu nên xử lý thế nào tốt nhất?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!