Bọc răng sứ không lấy tủy là phương pháp phục hình răng nhưng không can thiệp vào phần tủy, nhờ vậy có thể bảo tồn và kéo dài tuổi thọ của răng thật. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể bảo tồn tủy răng khi can thiệp kỹ thuật này.
Bọc răng sứ không lấy tủy là phương pháp gì?
Bọc răng sứ không lấy tủy là phương pháp phục hình răng bằng mão sứ nhưng không phải điều trị tủy răng. Lấy tủy là kỹ thuật nha khoa phức tạp, được thực hiện nhằm làm sạch phần tủy răng bị viêm nhiễm và hoại tử. Kỹ thuật này được áp dụng trong nhiều trường hợp như răng bị chết tủy, viêm tủy răng không hồi phục, viêm tủy triển dưỡng,,..
Trước khi làm răng sứ, một số trường hợp cần phải lấy tủy để đảm bảo hiệu quả phục hình. Nếu không lấy tủy trong những trường hợp kể trên, cùi răng thật sẽ bị tổn thương và hư hại dần theo thời gian. Kết quả là gây lỏng lẻo mão sứ khiến mão răng giảm tuổi thọ và bung tuột dưới tác động của hoạt động ăn nhai.
Tủy răng là một trong những cơ quan chính của răng bên cạnh ngà răng và men răng. Tủy có chức năng tái tạo, phục hồi ngà răng và dẫn truyền tín hiệu cảm giác về não bộ. Nhờ có cơ quan này, răng có thể cảm nhận được nhiệt độ, vị ngọt, chua trong các loại thức ăn và đồ uống.
Loại bỏ tủy đồng nghĩa với việc răng mất hoàn toàn cảm giác và không được nuôi dưỡng. Chính vì vậy, đa phần các trường hợp bọc răng sứ đều không cần lấy tủy. Điều trị tủy răng chỉ được thực hiện trong một số trường hợp cần thiết để hạn chế tối đa mức độ xâm lấn và bảo tồn răng thật tối đa.
Những trường hợp bọc răng sứ không cần lấy tủy
Những trường hợp bọc răng sứ không lấy tủy hầu như không tác động đến phần tủy răng mà chỉ mài một lớp men ngoài cùng. Sau đó, lấy dấu mẫu hàm để chế tác mão răng và phục hình lên trên cùi răng thật. So với bọc răng sứ lấy tủy, phương pháp này được ưu tiên hơn vì có khả năng bảo tồn răng và kéo dài tuổi thọ của răng thật.
Dưới đây là những trường hợp có thể bọc răng sứ mà không cần lấy tủy:
1. Răng khỏe mạnh, không có vấn đề nha khoa
Những trường hợp răng khỏe mạnh, không gặp phải bất cứ vấn đề nha khoa nào sẽ được bọc răng sứ trực tiếp mà không cần phải lấy tủy răng. Tùy theo nhu cầu của từng trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành mài một hoặc toàn bộ răng trên cung hàm, sau đó lấy dấu mẫu hàm, gắn mão sứ tạm trong thời gian chờ mão sứ chế tác.
Những trường hợp có răng khỏe, không gặp phải các bệnh lý nha khoa sẽ có quy trình làm răng sứ nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên trong quá trình mài lớp men ngoài cùng, răng có thể bị đau nhức và ê buốt nhẹ. Nếu được chăm sóc tốt, các triệu chứng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày.
2. Sâu răng nhẹ đến trung bình
Sâu răng là một dạng nhiễm khuẩn của răng gây ra bởi hại khuẩn Streptococcus mutans. Axit từ vi khuẩn này làm hòa tan các mô cứng của men răng, sau đó xâm nhập vào ngà răng và tủy răng. Những trường hợp sâu răng ăn vào tủy cần phải điều trị tủy trước khi bọc răng sứ để đảm bảo hiệu quả.
Tuy nhiên trường hợp sâu răng nhẹ đến trung bình, bác sĩ sẽ làm sạch phần men răng và ngà răng. Sau đó, sát khuẩn và hàn trám. Khi kết thúc quá trình hàn trám răng sâu, bác sĩ sẽ tiến hành bọc răng sứ mà không cần lấy tủy.
3. Viêm tủy răng có khả năng hồi phục
Viêm tủy răng diễn tiến qua 2 giai đoạn chính là viêm tủy răng có hồi phục và viêm tủy răng không hồi phục. Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp bảo tồn để phục hồi tủy răng. Do đó nếu bị viêm tủy răng hồi phục, bạn vẫn có thể bọc răng sứ mà không cần phải điều trị tủy. Trong khi đó, những trường hợp viêm tủy răng không hồi phục cần phải lấy tủy để ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng trước khi phục hình bằng răng sứ.
4. Mắc các bệnh nha chu có mức độ nhẹ đến trung bình
Nha chu là tổ chức bao xung quanh răng bao gồm cement, dây chằng nha chu, nướu và xương hàm. Các cơ quan này có thể bị viêm nhiễm và tổn thương nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách. Trên thực tế, hầu hết các bệnh lý nha chu đều không ảnh hưởng đến tủy răng.
Do đó, những trường hợp mắc các bệnh lý nha chu có mức độ nhẹ đến trung bình có thể bọc răng sứ mà không cần lấy tủy. Tuy nhiên nếu bị viêm nha chu nặng, chân răng lung lay, lỏng lẻo và đã có hiện tượng tiêu xương hàm, bác sĩ sẽ không chỉ định bọc răng sứ. Phục hình mão sứ trong trường hợp này có thể không mang lại hiệu quả, răng sứ dễ hư tổn và bung tuột chỉ sau một thời gian ngắn. Trường hợp này thường được chỉ định các biện pháp cố định răng và cấy ghép Implant nếu cần thiết.
Hầu hết những trường hợp bọc răng sứ đều không phải lấy tủy răng. Kỹ thuật này thường chỉ được cân nhắc trong trường hợp tủy răng bị viêm nhiễm và hoại tử. Để biết chính xác có cần phải điều trị tủy khi làm răng sứ hay không, bạn nên tìm gặp bác sĩ và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bọc Răng Sứ Có Hết Hô Không? Giá Bao Nhiêu?
Bọc Răng Hàm Bị Sâu Giá Bao Nhiêu? Có nên làm?
Bọc răng sứ Titan có tốt không? Giá bao nhiêu?
Những lưu ý trước và sau khi bọc răng sứ bạn nên biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!