Bị chấm đen trên răng có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề nha khoa. Để loại bỏ đốm đen triệt để, trước tiên bạn cần phải xác định được nguyên nhân.
Bị chấm đen trên răng – Nguyên nhân do đâu?
Răng thường có màu trắng ngà hoặc hơi vàng nhạt tùy theo cơ địa của từng người. Hàm răng trắng sáng, đều màu sẽ giúp bạn tự tin khi gặp gỡ và giao tiếp. Vì vậy, không ít người gặp phải nhiều phiền toái khi đối mặt với tình trạng bị chấm đen trên răng.
Chấm đen trên răng có kích thước đa dạng tùy vào nguyên nhân cụ thể. Tình trạng này gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ – đặc biệt là trong trường hợp chấm đen xuất hiện ở mặt ngoài của răng cửa và răng nanh. Để có phương pháp điều trị dứt điểm, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Dưới đây là các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng kể trên:
1. Cao răng tích tụ do vệ sinh kém
Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng bị chấm đen trên răng là do cao răng tích tụ. Khi vệ sinh răng miệng kém, thức ăn sẽ bị giắt vào bên trong kẽ răng hoặc dính ở mặt trong, mặt ngoài răng. Dưới tác động của vi khuẩn, thức ăn sẽ tạo thành mảng bám và cuối cùng là bị khoáng hóa thành cao răng (vôi răng).
Cao răng sẽ có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt. Tuy nhiên trong quá trình chải răng, chân răng có thể bị chảy máu dẫn đến tình trạng cao răng đổi sang màu nâu đỏ, nâu đen hoặc đen. Do đó, nhiều khả năng chấm đen trên răng là do cao răng tích tụ do vệ sinh không kỹ – đặc biệt là ở các kẽ và mặt trong của răng.
2. Sâu răng
Bị chấm đen trên răng có thể là dấu hiệu của sâu răng. Sâu răng là tình trạng nhiễm khuẩn của răng gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus mutans. Vi khuẩn này thường trú trong răng nhưng chỉ phát triển trong điều kiện bị khô miệng, vệ sinh răng miệng kém, răng có nhiều mảng bám và cao răng.
Streptococcus mutans tiết ra axit gây hòa tan các mô cứng của răng. Sau một thời gian, bề mặt răng sẽ xuất hiện các chấm đen hoặc lỗ đen nhỏ. Đây là dấu hiệu cho thấy men răng đã bị hư hại và phá hủy bởi vi khuẩn Streptococcus mutans.
Ở giai đoạn đầu, vi khuẩn chưa đi vào ngà răng mà chỉ gây tổn thương men răng nên chưa có bất cứ triệu chứng nào khác thường. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bề mặt răng xuất hiện chấm đen, bạn nên đến phòng khám nha khoa sớm để được chẩn đoán và điều trị. Bởi sâu răng không thể tự thuyên giảm, ngược lại lỗ sâu sẽ có tiến triển nặng dần theo thời gian.
3. Răng xỉn màu
Răng xỉn màu cũng có thể là nguyên nhân khiến bề mặt răng xuất hiện các chấm nâu, đen. Răng thường có màu trắng ngà hoặc ngả vàng nhẹ tùy theo cơ địa. Tuy nhiên nếu thường xuyên dùng thức ăn, đồ uống sẫm màu hoặc hút thuốc lá, bề mặt răng có thể xuất hiện các đốm màu nâu, đen. Trong trường hợp răng xỉn màu, chấm đen thường xuất hiện ở nhiều răng khác nhau và đặc biệt đậm màu hơn ở mặt trong của răng.
4. Do thiểu sản men răng
Thiểu sản men răng là tình trạng thiếu hụt men răng khiến cho bề mặt răng không đều màu và xuất hiện các đốm nâu, đen. Tình trạng này thường xảy ra trong thời gian mang thai do mẹ không cung cấp đủ khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi nhưng cũng có thể do di truyền, nhiễm trùng, chấn thương,…
Thiểu sản men răng khởi phát triệu chứng khá sớm, thường xảy ra trước năm 3 tuổi. Do đó, nếu nhận thấy bé bị chấm đen trên răng, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm.
Không giống với những cơ quan khác, tổn thương ở men răng không thể hồi phục nên cần điều trị thiểu sản men răng càng sớm càng tốt. Ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ và ngoại hình, thiếu hụt men răng còn khiến răng dễ bị ê buốt, đau nhức, gia tăng nguy cơ sâu răng, viêm tủy răng và nhiều bệnh lý nha khoa khác.
5.Do răng chết tủy
Chết tủy là tình trạng tủy răng hoại tử. Tình trạng này có thể xảy ra do viêm tủy răng không được điều trị hoặc chấn thương khiến tủy răng bị hoại tử đột ngột.
Tủy răng là “trái tim” của mỗi chiếc răng với vai trò cung cấp dưỡng chất để tái tạo, phục hồi và duy trì độ cứng chắc của răng. Khi tủy răng bị hoại tử, ngà răng không được nuôi dưỡng sẽ trở nên giòn, xốp và bề mặt răng dần xuất hiện các đốm màu xám đen. Nếu để lâu, toàn bộ chiếc răng có thể bị đen hoàn toàn. Đa phần những trường hợp nổi chấm đen trên răng do chết tủy thường chỉ xảy ra ở một răng.
Bị chấm đen trên răng có ảnh hưởng gì không?
Ảnh hưởng đầu tiên của tình trạng bị chấm đen trên răng là gây mất thẩm mỹ, từ đó khiến bạn thiếu tự tin và không thoải mái khi giao tiếp. Nếu không có biện pháp cải thiện, các chấm đen sẽ xuất hiện dày đặc và lan rộng.
Chấm đen trên răng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe như sâu răng, răng chết tủy, thiểu sản men răng,… Các bệnh lý này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng và tình trạng sẽ nghiêm trọng dần theo thời gian nếu không có biện pháp điều trị.
Ngoài ra, bị chấm đen trên răng đôi khi đi kèm với tình trạng hôi miệng. Trong khoang miệng có khoảng 2 tỷ vi khuẩn và hại khuẩn sẽ phát triển mạnh nếu vệ sinh răng miệng kém, răng có nhiều mảng bám và cao răng. Tình trạng hơi thở có mùi cộng với chấm đen trên răng sẽ ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và ngoại hình.
Cách loại bỏ chấm đen trên răng hiệu quả
Ngoại trừ trường hợp chấm đen trên răng là do thức ăn dính vào, tất cả những trường hợp còn lại đều phải được thăm khám và điều trị sớm. Có rất nhiều nguyên nhân khiến răng xuất hiện các đốm đen nhưng phần lớn các trường hợp đều không thể tự cải thiện mà bắt buộc phải can thiệp điều trị.
Khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu khám tổng quát và chụp X quang để đưa ra chẩn đoán chính xác. Tùy vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau:
1. Cạo vôi răng
Bị nổi chấm đen trên răng có thể do cao răng tích tụ lại lâu ngày mà thành. Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định cạo vôi răng. Phương pháp này giúp làm sạch cao răng tích tụ ở chân răng, kẽ răng và bề mặt răng. Từ đó giúp loại bỏ các đốm đen và giúp răng sáng màu hơn.
Cạo vôi răng không chỉ giúp cải thiện màu sắc răng mà còn ngăn ngừa sâu răng và nhiều bệnh lý nha khoa khác. Bởi vôi răng chính là môi trường để vi khuẩn có hại trong khoang miệng phát triển và gây tổn thương răng cùng với tổ chức nha chu.
Ngay cả khi không gặp bất cứ vấn đề nào bất thường, bạn cũng cần lấy cao răng định kỳ 1 – 2 lần/ năm. Thói quen này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các vấn đề nha khoa hiệu quả. Trong trường hợp bị viêm nha chu, bạn cần lấy cao răng 3 – 4 tháng/ lần.
2. Tẩy trắng răng
Sau khi cạo vôi răng, bạn có thể thực hiện thêm tẩy trắng răng nếu đốm đen vẫn chưa biến mất. Phương pháp này thường được thực hiện đối với trường hợp răng xỉn màu do thói quen hút thuốc và sử dụng thức ăn, đồ uống đậm màu.
Tẩy trắng răng tại phòng khám sẽ sử dụng chất oxy hóa kết hợp với ánh sáng để loại bỏ các mảng màu trên bề mặt răng. Nhờ vậy, chỉ sau khoảng 20 – 45 phút, bề mặt răng sẽ trắng sáng hoàn toàn.
Tẩy trắng răng không phải là phương pháp xâm lấn nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến men răng. Vì vậy, bạn nên lựa chọn nha khoa uy tín để thực hiện phương pháp này. Ngoài ra, nên thực hiện tại phòng khám thay vì tự ý sử dụng các sản phẩm tẩy trắng răng không rõ nguồn gốc.
3. Trám răng (hàn răng)
Trám răng được chỉ định trong trường hợp bị chấm đen trên răng do sâu răng. Sâu răng là bệnh nha khoa phổ biến ở mọi lứa tuổi với biểu hiện ban đầu là các đốm đen kích thước nhỏ trên bề mặt hoặc kẽ răng. Quá trình hủy khoáng do vi khuẩn Streptococcus mutans không thể hoàn nguyên nên bắt buộc phải trám răng để khôi phục lượng mô cứng đã bị hòa tan.
Trước tiên, bạn sẽ được cạo vôi răng để đảm bảo vệ sinh răng miệng. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ nạo bỏ phần lỗ sâu, sát trùng và tiến hành trám lại bằng vật liệu chuyên dụng. Để đảm bảo tính thẩm mỹ, bác sĩ nha khoa sẽ sử dụng composite trong kỹ thuật hàn trám.
4. Dán sứ veneer
Dán sứ veneer là phương pháp thẩm mỹ nha khoa được ưa chuộng trong những năm gần đây. Phương pháp này sử dụng mặt dán sứ có kích thước siêu mỏng dán lên bề mặt răng.
Dán sứ veneer thường được thực hiện trong trường hợp bị chấm đen do nhiễm kháng sinh hoặc do thiểu sản men răng. Những trường hợp này thường không có cải thiện khi tẩy trắng răng nên sẽ được cân nhắc dán sứ hoặc bọc sứ.
Dán sứ veneer giúp khôi phục màu sắc và hình dáng của răng, từ đó mang lại nụ cười trở nên rạng rỡ hơn. Tuy nhiên, phương pháp này có quy trình phức tạp và đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có nhiều năm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, chi phí cao cũng là hạn chế khiến cho dán sứ Veneer được ít người lựa chọn hơn so với bọc răng sứ.
5. Bọc răng sứ
Bọc răng sứ là kỹ thuật phục hình răng phổ biến hiện nay. Phương pháp này ra đời với mục đích thẩm mỹ nhưng được chỉ định trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Đối với tình trạng bị chấm đen trên răng, bạn có thể bọc răng sứ nếu chấm đen xảy ra do nhiễm màu kháng sinh nặng, răng bị chết tủy và thiểu sản men răng.
Ngoài ra, nếu răng có chấm đen và đi kèm với nhiều khuyết điểm như hình thể răng không đẹp, răng thưa, không đều,… bạn cũng có thể bọc răng sứ để cải thiện hình thể và màu sắc của răng. So với dán sứ, bọc răng sứ có mức độ xâm lấn cao hơn. Mão răng sứ sẽ thay thế cho răng thật và giúp bảo vệ răng thật khỏi những tác nhân có hại như vi khuẩn, nhiệt độ nóng lạnh, gia vị,…
Đối với trường hợp răng chết tủy, bác sĩ sẽ chỉ định lấy tủy trước khi bọc răng sứ để phòng ngừa áp xe và viêm nhiễm. So với dán sứ Veneer, bọc răng sứ được áp dụng phổ biến hơn do chi phí đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng.
Phòng ngừa chấm đen trên răng bằng cách nào?
Chấm đen trên răng là vấn đề nha khoa khá phổ biến. Tình trạng này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng vừa gây ra tâm lý tự ti và không thoải mái khi giao tiếp. Vì vậy, sau khi điều trị tình trạng này, bạn nên chủ động phòng ngừa với một số biện pháp sau:
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng như chải răng 2 – 3 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa 1 lần/ ngày và súc miệng 2 lần/ ngày. Khi vệ sinh răng miệng, cần thao tác đúng cách và nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương răng.
- Khám nha khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm và lấy cao răng thường xuyên để ngăn sự phát triển của vi khuẩn.
- Thói quen ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng. Để phòng ngừa tình trạng bị chấm đen trên răng, bạn nên hạn chế dùng thức ăn chứa quá nhiều đường, tinh bột, nước ngọt có gas và đồ uống chứa nhiều axit.
- Không hút thuốc lá và thận trọng khi dùng kháng sinh (đặc biệt là với người dưới 15 tuổi).
- Khi dùng các món ăn và thực phẩm đậm màu. Ngoài ra, bạn nên súc miệng với nước sạch ngay sau đó để tránh tình trạng răng xỉn màu.
Bị chấm đen trên răng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và sức khỏe răng miệng. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên đến phòng khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Can thiệp sớm không chỉ giúp bạn lấy lại sự tự tin mà còn bảo vệ răng miệng và ngăn ngừa các ảnh hưởng lâu dài.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Cách chữa sâu răng bằng lá tía tô có hiệu quả không?
Sâu răng hàm ở trẻ ảnh hưởng như thế nào?
Thuốc chấm sâu răng Eupolin 12 có tốt không?
Xịt Chống Sâu Răng Nhật Bản Hamikea Có tốt không? Có nên dùng?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!