Thoát vị đĩa đệm là một căn bệnh xương khớp thường gặp ở vùng đốt sống lưng. Bệnh gây ra tình trạng đau nhức, yếu và tê ở vùng lưng và cổ, đôi khi cơn đau có thể lan xuống vùng cánh tay hoặc chân. Những triệu chứng này có thể nghiêm trọng đến mức khiến bạn không thể đi lại, vận động như bình thường. Để cải thiện các triệu chứng khó chịu của bệnh, bạn có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc chữa thoát vị đĩa đệm dưới đây.
Khi nào người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc chữa thoát vị đĩa đệm?
- Người bệnh gặp các triệu chứng đau từ nhẹ đến trung bình, ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhưng chưa cần phẫu thuật
- Người bệnh trải qua cơn đau cấp tính cần kiểm soát đau nhanh, giảm viêm
- Người bệnh chịu cơn đau mãn tính cần kiểm soát đau dài hạn
- Người bệnh có triệu chứng co thắt cơ cần giảm đau, cải thiện vận động
- Người bệnh bị tổn thương thần kinh cần giảm đau thần kinh
- Trước/sau phẫu thuật để giảm đau, hỗ trợ phục hồi
- Người bệnh cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
8 loại thuốc chữa thoát vị đĩa đệm được bác sĩ khuyên dùng
Dựa trên tình trạng sức khỏe, mức độ đau và tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn cho bạn dùng loại thuốc trị thoát vị đĩa đệm phù hợp. Dưới đây là tổng hợp một số loại thuốc chữa thoát vị đĩa đệm tốt nhất hiện nay, thường có mặt trong các đơn thuốc của bác sĩ:
Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau là một trong các loại thuốc chữa thoát vị đĩa đệm phổ biến và hiệu quả nhất. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau nhanh chóng, thích hợp dùng cho những trường bị đau xương khớp ở mức độ nhẹ và trung bình. Tuy nhiên do thuốc không có tác dụng kháng viêm nên không dùng cho những trường hợp bị viêm xương khớp.
Loại thuốc nên dùng: Paracetamol.
Thận trọng:
- Thuốc có thể gây ảnh hưởng tới gan, thận, dạ dày, vì vậy không nên uống quá liều.
- Thuốc chống chỉ định cho người bị dị ứng với thành phần thuốc, người mắc bệnh phổi, tim mạch, thiếu máu, suy gan nặng.
Thuốc kháng viêm không có chứa thành phần steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid được chỉ định dùng cho những trường hợp người bệnh không có chuyển biến tốt sau khi dùng thuốc giảm đau. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau, kháng viêm, tiêu sưng, hỗ trợ cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh. Người bệnh cần dùng theo đơn của bác sĩ và không nên uống dài ngày vì nó có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Các loại thuốc phổ biến: Naproxen, Ibuprofen, Diclofenac, Meloxicam.
Thận trọng:
- Thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như loét dạ dày tá tràng, suy thận, suy gan, suy hô hấp, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, đau nhức đầu, giảm thính lực, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Phụ nữ mang thai, người bị suy gan, suy thận, suy tim, viêm loét dạ dày tá tràng tuyệt đối không được dùng nhóm thuốc này.
Thuốc giảm đau thần kinh
Thuốc giảm đau thần kinh được sử dụng cho những trường hợp bị thoát vị đĩa đệm chèn ép lên dây thần kinh tọa, gây đau nhức khó chịu và không thể vận động đi lại được. Sử dụng loại thuốc này sẽ giúp bạn hạn chế các cơn đau ở dây thần kinh, hỗ trợ người bệnh khắc phục những cơn đau một cách nhanh chóng.
Các loại thuốc phổ biến: Amitriptyline, Duloxetine, Gabapentin, Pregabalin, Tramadol.
Thận trọng:
- Nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt.
- Không dùng cho người bị dị ứng với thuốc, người không dung nạp glucose, galactose, người bị suy gan, thận, tiểu đường, phụ nữ có thai và cho con bú.
Thuốc giúp giảm đau gây nghiện (Opioids)
Trường hợp người bệnh bị đau lưng do thoát vị đĩa đệm ở mức độ trung bình đến nặng có thể sử dụng nhóm thuốc giảm đau gây nghiện Opioids. Những loại thuốc này có thể được dùng cùng với nhóm thuốc giảm đau thông thường nhằm chống lại các cơn đau nhức khó chịu tại vùng cột sống. Tuy nhiên thuốc cũng cần hạn chế dùng trong thời gian dài do nó dễ gây ra nhiều tác dụng phụ cho sức khỏe.
Các loại thuốc phổ biến: Codein, Morphin.
Thận trọng:
- Thuốc dễ gây ra các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn.
- Không dùng cho người bị dị ứng với thành phần của thuốc, người có các dấu hiệu như suy gan, suy hô hấp, động kinh.
Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ thường được chỉ định khi đĩa đệm bị thoát ra ngoài, gây co thắt các cơ. Loại thuốc này có tác dụng giảm co cơ, giảm co cứng tại cột sống, giảm lực của thần kinh tủy sống. Vì vậy nó sẽ hỗ trợ cải thiện đau nhức khó chịu do thoát vị đĩa đệm gây ra. Tuy nhiên những loại thuốc này cần đáp ứng yêu cầu đó là không gây yếu lực cơ và hạn chế tác động lên hệ thần kinh trung ương.
Các loại thuốc phổ biến: Diazepam, Metaxalone, Mydocalm, Metropole.
Thận trọng:
- Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, gây hại cho gan thận.
- Không dùng cho người bị dị ứng với thành phần thuốc, người bị bệnh nhược cơ nặng.
Thuốc tăng tái tạo bao myelin
Thuốc tăng tái tạo bao myelin được chỉ định dùng cho những người bị thoát vị đĩa đệm L4, L5 hoặc bị ở vùng đốt sống cổ. Nhóm thuốc này có tác dụng tái tạo lại bao myelin của những sợi thần kinh đã bị thoái hóa, hỗ trợ tăng tốc độ dẫn truyền xung động và các xung điện hóa của các dây thần kinh.
Các loại thuốc phổ biến: Cytidine, Uridine.
Thận trọng:
- Không dùng cho những người bị dị ứng với thành phần của thuốc.
- Người bị co thắt cơ hoặc bị động kinh.
- Phụ nữ có thai và những đang cho con bú cần thận trọng.
Thuốc giảm đau dạng bôi
Bên cạnh các loại thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm dạng uống người bệnh cũng có thể kết hợp thêm với một số loại thuốc dạng bôi. Nhóm thuốc này rất an toàn, dùng để bôi ngoài da, các hoạt chất trong thuốc sẽ thẩm thấu qua da và giúp giảm đau tại chỗ. Bạn chỉ cần bôi trực tiếp lên những khu vực bị thoát vị đĩa đệm đều đặn mỗi ngày từ hai đến ba lần.
Các loại thuốc phổ biến: Capsaicin, Lidocain, Difelene,…
Thận trọng:
- Vùng da bôi thuốc có thể bị nóng đỏ, ngứa, phồng rộp nếu bôi quá nhiều.
- Không dùng thuốc cho những người bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Không bôi lên vết thương hở hoặc đang bị tổn thương.
Tiêm Corticosteroid ngoài màng
Sử dụng thuốc Corticosteroid để tiêm ngoài màng cứng là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu áp dụng cho những người bị thoát vị đĩa đệm ở mức độ trung bình đến nặng. Bác sĩ sẽ dùng một chiếc kim nhỏ để đưa thuốc vào khu vực chứa chất béo giữa xương và túi bảo vệ của các dây thần kinh cột sống. Loại thuốc này có tác dụng giúp giảm đau nhức, sưng viêm khá hiệu quả. Người bệnh sẽ cần tiêm mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau tối đa 7 ngày.
Các loại thuốc phổ biến: Methylprednisolone, Triamcinolone, Betamethasone, Hydrocortisone, Dexamethasone…
Thận trọng:
- Thuốc có thể gây biến chứng đau, xuất huyết tại chỗ tiêm.
- Vùng da bị kích ứng, teo da, nhạt màu, nhiễm trùng.
Lưu ý khi dùng thuốc chữa bệnh thoát vị đĩa đệm
- Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
- Không tự ý mua thuốc hoặc thay đổi liều lượng.
- Kiểm tra thành phần thuốc để tránh dị ứng.
- Phụ nữ mang thai, cho con bú, người suy gan, thận, viêm loét dạ dày không nên sử dụng.
- Tìm hiểu kỹ về tác dụng phụ của thuốc, ưu tiên loại ít tác dụng phụ.
- Đến gặp bác sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khi dùng thuốc.
- Không dùng nhiều loại thuốc cùng lúc để tránh tương tác thuốc.
- Kết hợp chế độ ăn uống giàu vitamin D, canxi, magie, omega-3…
- Tích cực vận động nhẹ nhàng, tránh bê vác nặng hoặc tập luyện quá sức.
Như vậy bài viết trên đây đã giới thiệu tới bạn các loại thuốc chữa thoát vị đĩa đệm tốt nhất hiện nay. Căn bệnh này có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như bạn kịp thời phát hiện và có những phương pháp điều trị đúng cách. Mong rằng những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có thể lựa chọn cho mình một loại thuốc phù hợp để mang lại hiệu quả cao.
Nguồn: Soytethainguyen