Hiện nay thời tiết khí hậu đang chuyển mùa, đây cũng là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là bệnh Tay chân miệng. Tay chân miệng là căn bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban, mụn nước ở lòng bàn tay, chân và mông, tổn thương loét ở miệng.
Tính đến hết tháng 9/2018 cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và có 6 trường hợp tử vong. Trong đó, nhiều ca biến chứng khác hơn so với mọi năm có liên quan đến các vấn đề về nhiễm trùng thần kinh trung ương. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 172 trẻ em mắc bệnh Tay chân miệng, chỉ riêng tháng 9/2018 đã có 76 trẻ mắc.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 10 trường hợp nhiễm chủng EV71 trong tổng số hàng trăm trường hợp nhập viện do tay chân miệng. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn. Để chủ động tăng cường công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, ngành Y tế đã khẩn trương triển khai một số nội dung sau:
– Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình.
– Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
– Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng; củng cố các đội chống dịch cơ động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch.
– Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Tay chân miệng ban hành theo Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn trong Cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh Tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế do Nhà xuất bản y học phát hành năm 2013, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh Tay chân miệng với bệnh Sởi, Viêm phổi với Viêm đường hô hấp khác. Sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, các phòng cách ly để thu dung, điều trị bệnh nhân và thông báo kịp thời cho đơn vị y tế dự phòng khi có bệnh nhân nghi mắc bệnh nhập viện để kịp thời phối hợp xử lý triệt để ổ dịch./.
Trương Đức Hạnh(Phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế)
Nguồn: Soytethainguyen
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!