Hiện nay, Thái Nguyên có 178 trạm y tế. Phát huy vai trò y tế tuyến cơ sở, các trạm y tế không chỉ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân mà còn triển khai tốt các hoạt động như tiêm chủng mở rộng; giám sát dịch bệnh; quản lý bệnh không lây nhiễm…

Tại Thái Nguyên, thực hiện mục tiêu Tăng cường hệ thống y tế cơ sở theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong những năm qua, tỉnh đã có sự quan tâm đặc biệt đối với các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nhờ đó, đến tháng 12 năm 2022, trạm y tế của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng, cơ bản đảm bảo về diện tích, quy mô. Theo đó, đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đáng nói, trang thiết bị của các trạm y tế đã được đầu tư, nâng cấp ngày càng hiện đại.

Được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực con người, trạm y tế đã thực hiện khá hiệu quả việc quản lý, theo dõi sức khỏe của từng hộ, từng người dân trên địa bàn. Đồng thời, có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, hạn chế việc người dân phải nhập viện để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện.

Có thể thấy, thời gian qua, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt vai trò của mình khi được coi nhu “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe lúc ốm đau. Hầu hết khi mắc các bệnh thông thường, người dân đều yên tâm khi đến trạm y tế.

Hay như việc quản lý bệnh tăng huyết áp, đến thời điểm này, trên 130 trạm y tế xã trong tỉnh đã thực hiện theo dõi, điều trị tăng huyết áp ngoại trú cho người dân. Sau đợt điều trị tăng huyết áp tại bệnh viện, người dân được đưa về trạm y tế xã để theo dõi, điều trị ngoại trú. Hằng tháng, đến trạm y tế khám, lấy thuốc theo sổ hẹn. Khám, điều trị bệnh ngay tại trạm y tế, người dân không phải đi lên tuyến trên nên tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu y tế tại trạm y tế
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu y tế tại trạm y tế

Không chỉ làm tốt công tác quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp, các trạm y tế còn thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe tâm thần; phòng chống dịch bệnh… cho người dân. Riêng đợt dịch COVID-19 vừa qua, các trạm y tế tuyến xã đã phát huy hiệu quả trong việc tư vấn, hướng dẫn điều trị tại nhà cho F0. Với sự tích cực của hệ thống y tế tuyến cơ sở, dịch COVID-19 trên địa bàn tình vẫn đang tiếp tục được giám sát chặt chẽ, hiệu quả.

Thời gian qua, hoạt động của hệ thống y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân cũng như làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, các trạm đều trực cấp cứu 24/24 giờ trong ngày; duy trì thường xuyên hoạt động phòng, chống dịch; tổ chức tiêm chủng mở rộng và thực hiện các chương trình về vệ sinh môi trường, dân số – kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, công tác quản lý bệnh không lây nhiễm cũng được triển khai rất hiệu quả tại tất cả các xã, phường, thị trấn, tạo thuận lợi cho người dân trong việc khám và điều trị ngay tại địa phương. Việc quyết toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân điều trị các bệnh mãn tính được triển khai thuận lợi…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện, y tế tuyến xã vẫn đang gặp không ít khó khăn như: Còn thiếu nguồn nhân lực khi nhiều trạm chưa có bác sĩ (vẫn còn tình trạng 1 bác sĩ phải kiêm 2 trạm y tế); nhiều trạm y tế vẫn chưa có đầy đủ trang thiết bị y tế… Bởi vậy, để phát huy hiệu quả hoạt động của các trạm y tế, thời gian tới, ngành Y tế sẽ thực hiện rà soát đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của các trạm y tế. Từ đó có cơ sở xây dựng phương án kiện toàn, tổ chức hoạt động của các đơn vị này theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn…

Soytethainguyen

Nguồn: Soytethainguyen

Bài viết liên quan