Thực hiện Kế hoạch số 265/KH-BCĐTƯATTP ngày 09/3/2021 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh Thái Nguyên đã xây xựng và ban hành Kế hoạch số 69/KH-BCĐLNATTP ngày 07/4/2021 triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với chủ đề “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.

(Đồng chí Lý Văn Cảnh – Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Nguyên Phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP tại Hội nghị Tháng hành động năm 2021 huyện Phú Lương – tỉnh Thái Nguyên)

Thời điểm triển khai thực hiện Tháng hành động năm 2021 từ 15/4/2021 đến 15/5/2021, đây là khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nước ta với mức độ và quy mô lớn hơn nhiều so với những lần trước. Cùng với cả nước, Thái Nguyên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng liên quan đến các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến, bao gói sẵn có dấu hiệu giảm so với thời điểm trước đó; thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, một số hoạt động kinh doanh không thiết yếu đã tạm ngừng như kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí…, nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, mua bán thực phẩm tại các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích giảm, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân nâng cao ý thức thực hiện công tác phòng chống dịch, không tiếp xúc ở những nơi công cộng, tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Các ngành thành viên Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị địa phương đã chủ động xây dựng, ban hành 197 các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, 100% các huyện/thành phố/thị xã, xã/phường/thị trấn triển khai kế hoạch Tháng hành động năm 2021 dưới nhiều hình thức, lồng ghép, trực tuyến…

Qua công tác triển khai, các hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATTP được chú trọng, tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; phổ biến kiến thức, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong Tháng hành động năm 2021, tổ chức 742 buổi nói chuyện chuyên đề về ATTP với 30.226 người tham dự; 147 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, 5.283 người tham dự; phát huy hệ thống đài truyền thanh ở xã, phường, khu phố để tập trung chuyển tải thông điệp Tháng hành động đến người dân, phát 3.507 lượt trên loa phát thanh, 129 buổi truyền hình, 105 tin bài ảnh phản ánh các hoạt động về an toàn thực phẩm ; Sản xuất, nhân bản các ấn phẩm truyền thông : 461 băng zôn, 1.459 tranh, áp phích, 54.489 tờ rơi, tờ gấp, 2.667 đĩa CD thông điệp truyền thông Tháng hành động.

Về hoạt động thanh tra, kiểm tra: Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh giao các Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở thực phẩm, các sản phẩm/ nhóm sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời thành lập 03 Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP tại 9 huyện, thành phố, thị xã và kiểm tra trực tiếp các cơ sở thực phẩm tại địa phương (mỗi Sở chủ trì 01 đoàn kiểm tra tại 03 huyện/thành phố/thị xã do Giám đốc quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành). Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tuyến huyện/thành phố/thị xã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc triển khai thực hiện Tháng hành động của Ban chỉ đạo tuyến xã, phường, thị trấn và kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP đối các cơ sở thực phẩm trên địa bàn.

(Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh (Đoàn số 1) do Sở Y tế chủ trì tiến hành kiểm tra công tác triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2021 tại huyện Phú Bình – tỉnh Thái Nguyên)

Trên địa bàn tỉnh đã thành lập 327 đoàn (trong đó: tuyến tỉnh 132 đoàn; tuyến huyện 16 đoàn; tuyến xã 179 đoàn). Số cơ sở được thanh tra, kiểm tra: 2.679. Số cơ sở đạt: 2.187 (tỷ lệ đạt 81,6%). Số cơ sở vi phạm: 492. Số cơ sở bị xử lý vi phạm: 204. Số tiền phạt: 422.779.000 vnđ (Bốn trăm hai mươi hai triệu bẩy trăm bảy mươi chín nghìn đồng). Các vi phạm chủ yếu về ghi nhãn hàng hóa thực phẩm, hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chế biến, kinh doanh thực phẩm ở môi trường không đảm bảo, điều kiện vệ sinh chung tại cơ sở chưa đạt yêu cầu; Chưa thực hiện lưu mẫu thức ăn 24h, ghi chép sổ kiểm thực ba bước chưa đầy đủ thông tin theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Sản xuất, chế biến sản phẩm thực phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Gắn liền công tác thanh tra, kiểm tra với công tác truyền thông, trong quá trình thanh, kiểm tra đoàn đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm giúp cơ sở nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước.

Công tác kiểm nghiệm mẫu thực phẩm: Chủ yếu là thực hiện các test nhanh về chỉ tiêu hóa lý, tỷ lệ không đạt chiếm 2,1%. Tổng số mẫu kiểm nghiệm 3.756 mẫu (trong đó kiểm nghiệm tại Labo 73 mẫu, số mẫu đạt yêu cầu 73/73, tỷ lệ đạt 100%; kiểm nghiệm nhanh 3.683 mẫu, số mẫu đạt yêu cầu 3.607/3.683, tỷ lệ đạt 97,9%).

Công tác quản lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm: Các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm, thành lập các tổ thường trực, sẵn sàng về phương tiện, trang thiết bị dụng cụ để tham gia hoạt động điều tra, xử lý sự cố về ATTP; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở. Trong Tháng hành động không có vụ ngộ độc thực phẩm xẩy ra trên địa bàn được ghi nhận.

Trong đợt triển khai Tháng hành động năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh đoàn kết, thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ chung. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn góp phần giữ vững, ổn định thị trường. Kết quả thực hiện được trong Tháng hành động đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm./.

Chu Thị Anh Hương
Sở Y tế

Nguồn: Soytethainguyen

Bài viết liên quan