Ngày 28/8, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị ký cam kết không thông báo, lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức cho các cơ sở y tế công lập năm 2020 nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn.

Chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đỗ Trọng Vũ – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Dự Hội nghị ký cam kết có các đại biểu đại diện cho các đơn vị y tế công lập của tỉnh: Bệnh viện quân y 91; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh; Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố/thị xã; các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; Bệnh viện Y học cổ truyền; Hội Đông y tỉnh; Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược; Phòng khám trường Cao đẳng Y Thái Nguyên; các cơ quan báo đài đến đưa tin về hội nghị.

      Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị: Tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) của tỉnh Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước và hầu hết các huyện/thành phố/thị xã đều có tỷ số GTKS cao hơn mức bình thường (103-107 trẻ trai/100 trẻ gái). Theo kết quả báo cáo, tỉnh Thái Nguyên tỷ số GTKS năm 2010 là 118,5; năm 2016 là 116,4; đến năm 2019 là 115,0. Tỷ số GTKS của tỉnh hàng năm tuy có giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (Năm 2019 giảm 3,5 điểm phần trăm so với năm 2010 và giảm 1,4 điểm phần trăm so với năm 2016).  Tỷ số GTKS 7 tháng đầu năm 2020, tỷ số GTKS toàn tỉnh là 112,0. Trong đó, tỷ số GTKS của huyện có sự chênh lệch, cụ thể: Đồng Hỷ là 121,6; Định Hóa là 115,2; Phú Lương là 113,2; Phú Bình là 113,1; thị xã Phổ Yên là 113,0; Đại Từ là 112,9; Võ Nhai là 111,2; thành phố Sông Công là 106,7; Thành phố Thái Nguyên là 106,3. Như vậy, tỉnh Thái Nguyên đã bước đầu kiểm soát được mức tăng tỷ số GTKS, hàng năm đạt kế hoạch về tốc độ tăng tỷ số GTKS.

Cũng tại Hội nghị gần 20 đơn vị y tế công lập hoạt động trong lĩnh vực sản khoa, chẩn đoán hình ảnh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện ký cam kết không thông báo giới tính thai nhi cho khách hàng dưới mọi hình thức. Theo đó, các đơn vị này sẽ không tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; không chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi; không vi phạm các quy định về lựa chọn giới tính thai nhi; không loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính… Đơn vị nào vi phạm các quy định trên sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và nhận các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.

        Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Vũ – Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị: Để thực hiện được mục tiêu Chiến lược dân số của tỉnh đến năm 2025 phấn đấu đưa tỷ số GTKS về dưới 112 bé trai/100 bé gái sinh ra sống và đến năm 2030 tỷ số GTKS là 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Ngành dân số cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức được nguy cơ của việc mất cân bằng GTKS để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh; không thông báo, lựa chọn GTKS nhằm mục tiêu dần đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên.

Ngọc Bích

Chi cục Dân số & KHHGĐ

Nguồn: Soytethainguyen

Bài viết liên quan