Thực hiện Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, đến nay, Ngành y tế Thái Nguyên đã thực hiện kết nối dữ liệu khám chữa bệnh, quản lý dân số, hồ sơ sức khỏe điện tử trên hệ thống chung, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Sở Y tế Thái Nguyên đã thực hiện 44/53 dịch vụ công toàn trình, đạt tỷ lệ trên 80 %, 100% các đơn vị trực thuộc thực hiện chuyển đổi số trong công tác hành chính như: quản lý văn bản, điều hành điện tử, thực hiện ký số văn bản điện tử và giao dịch với kho bạc, bảo hiểm xã hội, thuế; thực hiện hóa đơn điện tử, đồng thời thực hiện nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý, nhất là tại các bệnh viện để tiến tới thực hiện bệnh án điện tử, y tế thông minh. Hiện toàn tỉnh đã có 205 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối liên thông với hơn 2,4 triệu hồ sơ liên thông trên hệ thống. hơn 72% số dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử, trên 560.000 tài khoản cài đặt Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử. 12/12 cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe đã liên thông dữ liệu. Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế thanh toán 100% dịch vụ công cộng qua ngân hàng, tăng cường lắp đặt các thiết bị chấp nhận thẻ tại các cơ sở y tế phục vụ việc thanh toán viện phí được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian khám bệnh, chữa bệnh. Đến nay 100% các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện chấp nhận một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tạo thuận lợi hơn cho người dân trong giao dịch thanh toán viện phí, dịch vụ y tế, đồng thời đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh. Bước đầu, việc triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ khám, chữa bệnh được thực hiện tại Bệnh viện A Thái Nguyên với đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu hỗ trợ tầm soát ung thư cổ tử cung bằng hình ảnh chụp tế bào”, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ để tầm soát ung thư cổ tử cung, dự kiến cuối năm 2023 nghiệm thu đề tài. Trong triển khai hệ thống liên thông dược quốc gia, đến nay Sở Y tế tỉnh đã cấp mã liên thông cho 100% công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc, phê duyệt 209 mã định danh cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh đã liên thông trên 630.000 đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia, 1.360/1376 nhà thuốc, quầy thuốc đã liên thông phần mềm dược quốc gia, đạt tỷ lệ gần 99% số nhà thuộc, quầy thuốc trên địa bàn. Đối với các trạm y tế xã, hiện 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn đã sử dụng phần mềm quản lý 18 Chương trình y tế của Bộ Y tế, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với trục tích hợp và các cổng thông tin của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, cổng dữ liệu tiêm chủng quốc gia….
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào chương trình chuyển đổi số của tỉnh, nhưng thực tế hiện nay việc triển khai thực hiện hiện Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tại tỉnh Thái Nguyên vẫn gặp nhiều khó khăn, hạnh chế như: Dữ liệu các nền tảng của hệ thống y tế quốc gia chưa đồng bộ, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, dẫn đến các cơ sở dữ liệu còn phân tán, thiếu kết nối chia sẻ và đồng bộ giữa các hệ thống thông tin với nhau; hạ tầng, trang thiết bị tại một số cơ sở y tế còn thiếu, không đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống thông tin y tế tại các bệnh viện đã được ngành y tế quan tâm song vẫn còn thiếu so với yêu cầu ngày càng cao về bảo mật thông tin, cần chi phí lớn để đầu tư, nâng cấp, đồng bộ các hệ thống an toàn thông tin; nhân lực chuyên môn về công nghệ thông tin tại các sở y tế còn thiếu, cần được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về an toàn, an ninh thông tin, chưa có chính sách đãi ngộ nên việc giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gặp nhiều khó khăn; việc ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và đăng ký khám chữa bệnh từ xa còn gặp một số khó khăn, nhất là đối với người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về y tế, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong chuyển đổi số, đặc biệt là thực hiện Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, triển khai có hiệu quả các văn bản của Trung ương và tỉnh về chuyển đổi số; phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp khi khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, tăng cường hợp tác ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), thực tế ảo/thực tế tăng cường… trong hỗ trợ khám chữa bệnh, điều hành, quản lý trong lĩnh vực y tế… UBND tỉnh đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 nhằm đôn đốc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án, góp phần đạt được các mục tiêu trong lĩnh vực y tế tại Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hoàng Hải
Sở Y tế
Nguồn: Soytethainguyen
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!