Nấm âm đạo là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến mà nhiều phụ nữ có thể gặp phải ít nhất một lần trong đời. Bệnh nếu không được phát hiện và xử lý đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của chị em. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, bài viết dưới đây sẽ đưa ra thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
Nấm âm đạo là gì?
Nấm âm đạo, còn gọi là nhiễm nấm Candida âm đạo, là tình trạng nhiễm trùng xảy ra do sự phát triển quá mức của nấm Candida, đặc biệt là chủng Candida albicans. Nấm Candida là một loại vi sinh vật bình thường sống trong cơ thể, nhưng khi môi trường âm đạo bị mất cân bằng, nấm sẽ phát triển quá mức và gây nhiễm trùng, làm xuất hiện các triệu chứng khó chịu.
XEM THÊM: Nấm âm đạo khi mang thai có nguy hiểm không?
Dấu hiệu nhận biết nấm ấm đạo
Triệu chứng của nấm âm đạo sẽ khác nhau tùy theo mức độ nhiễm trùng, bao gồm:
- Ngứa ngáy, kích ứng vùng âm đạo và âm hộ.
- Cảm giác nóng rát, nhất là khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục.
- Huyết trắng dày, đặc và vón cục, có màu trắng đục giống như phô mai.
- Đau rát, sưng đỏ tại vùng âm hộ.
- Đôi khi có thể kèm theo mùi hôi nhẹ.
Nguyên nhân gây nấm âm đạo
Nguyên nhân chính dẫn đến nhiễm nấm âm đạo là sự phát triển quá mức của nấm Candida và thường xuất hiện do một số yếu tố như:
- Thay đổi nội tiết tố: Mang thai, sử dụng thuốc tránh thai hoặc giai đoạn tiền mãn kinh có thể làm thay đổi cân bằng hormone, tạo điều kiện cho nấm phát triển.
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh mà còn tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi trong âm đạo, gây mất cân bằng và tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển.
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách: Việc sử dụng dung dịch vệ sinh có tính tẩy rửa mạnh hoặc thụt rửa sâu sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh vùng âm đạo.
- Môi trường ẩm ướt: Mặc quần áo ẩm ướt, quá chật hay không thông thoáng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Khi cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch, các chủng nấm có điều kiện tấn công và phát triển, gây ra tình trạng nấm âm đạo, nhất là ở đối tượng nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân ung thư đang hóa xạ trị.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác tình trạng nhiễm nấm âm đạo, bác sĩ sẽ tiến hành:
- Khám phụ khoa: Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng âm đạo và cổ tử cung để tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng, như mẩn đỏ, sưng tấy hoặc dịch tiết bất thường.
- Xét nghiệm dịch tiết âm đạo: Mẫu dịch âm đạo sẽ được lấy và soi dưới kính hiển vi hoặc nuôi cấy để xác định loại nấm gây bệnh, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Đối tượng dễ mắc bệnh
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nấm âm đạo bao gồm:
- Phụ nữ mang thai.
- Người sử dụng thuốc tránh thai hoặc các phương pháp điều chỉnh nội tiết tố.
- Bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát tốt lượng đường huyết.
- Người sử dụng một số loại kháng sinh trong thời gian dài.
- Phụ nữ ở trong thời điểm tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
Cách phòng ngừa nấm âm đạo
Để phòng ngừa nấm âm đạo, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Giữ vùng kín sạch sẽ và khô ráo: Sử dụng các sản phẩm vệ sinh có độ pH cân bằng và tránh sử dụng dung dịch vệ sinh có tính tẩy rửa mạnh.
- Tránh mặc quần áo quá chật: Lựa chọn quần lót làm từ chất liệu thoáng khí, như cotton và không nên mặc quần áo bó sát trong thời gian dài.
- Sử dụng kháng sinh hợp lý: Hạn chế lạm dụng thuốc kháng sinh nếu không muốn tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong âm đạo.
- Kiểm soát lượng đường huyết: Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu là rất quan trọng để ngăn ngừa sự phát triển của nấm.
- Tránh thụt rửa sâu: Việc thụt rửa âm đạo có thể gây mất cân bằng vi sinh, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm nấm.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung thực phẩm giàu men vi sinh như sữa chua giúp duy trì hệ vi sinh âm đạo khỏe mạnh.
Phương pháp điều trị nấm âm đạo
Có nhiều phương pháp xử lý nấm âm đạo khác nhau từ điều trị tại chỗ đến điều trị toàn thân, nhằm kiểm soát và ngăn ngừa nấm tái phát.
- Thuốc đặt âm đạo: Sử dụng các loại thuốc chứa Miconazole, Clotrimazole trong 3 - 7 ngày giúp loại bỏ nấm tại chỗ.
- Thuốc bôi và rửa: Dung dịch betadine, thuốc mỡ chứa Miconazole hoặc Clotrimazole dùng để giảm triệu chứng và diệt nấm.
- Thuốc kháng nấm đường uống: Các thuốc như Fluconazole hoặc Itraconazole được chỉ định trong trường hợp nấm nghiêm trọng hoặc tái phát.
- Điều trị kéo dài: Với bệnh tái phát, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kéo dài vài tuần hoặc đến 6 tháng.
Nấm âm đạo tuy phổ biến nhưng có thể điều trị và phòng ngừa hiệu quả nếu được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Bằng cách áp dụng các biện pháp vệ sinh và điều chỉnh lối sống lành mạnh, bạn có thể bảo vệ sức khỏe vùng kín và ngăn ngừa nguy cơ tái phát nấm âm đạo. Nếu phát hiện các triệu chứng bất thường, hãy nhanh chóng tìm gặp bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và tư vấn phương pháp xử lý phù hợp nhất.