Tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 2000 bác sỹ, đạt tỷ lệ 16,2 bác sỹ /10.000 dân. Số lượt người dân khám chữa bệnh đạt trung bình trên 2,0 lượt/người/năm. Tổng số giường bệnh toàn tỉnh là 6.634 giường, đạt 50,7 giường/10.000 dân, trong đó giường bệnh công lập 47,1 giường/10.000 dân, ngoài công lập 3,6 giường/10.000 dân, vượt kế hoạch đề ra; 100% bệnh viện khám chữa bệnh BHYT. Với vị trí trung tâm các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, ngoài phục vụ cho nhân dân trong tỉnh, ngành y tế Thái Nguyên còn đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe cho một lượng lớn công nhân, học sinh, sinh viên và nhân dân các tỉnh lân cận.

Thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, trong giai đoạn 2016 – 2020, Ngành y tế Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực với sự hài lòng của người dân với dịch vụ Y tế công tại 8 bệnh viện tuyến tỉnh và  9 đơn vị y tế tuyến huyện hàng năm đạt trên 80%.  Tại 100% số trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 96% xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, hơn 90% số Trạm Y tế có bác sỹ, 98,4 % số thôn, bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Toàn ngành đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, kết nối liên thông dữ liệu từ tỉnh đến huyện, xã, liên thông cổng giám định bảo hiểm y tế, triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ – trẻ em điện tử, tiến tới hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và y tế thông minh. Hệ thống y tế dự phòng của toàn tỉnh được củng cố và phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh đạt chuẩn Quốc gia về Y tế dự phòng. Nhiều năm liền trên địa bàn Thái Nguyên không có dịch bệnh lớn xy ra. Công tác tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt từ 95% –97%. Đặc biệt khi đại dịch Covid – 19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu vào đầu năm 2000, Ngành Y tế Thái Nguyên đã tham mưu tích cực cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch COVID-19 với nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Từ khi dịch COVID-19 xảy ra tại Việt Nam, trên địa bàn tỉnh chỉ phát hiện 01 ca tại huyện Đại Từ ngày 28/3/2020 (bệnh nhân số 178). Bệnh nhân này đã được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và công bố khỏi bệnh ra viện ngày 26/5/2020 về địa phương. Kể từ ngày 28/3/2020 đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không có thêm trường hợp nhiễm COVID-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, đi lại, học tập… của người dân được duy trì thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, đảm bảo phương châm thực hiện “nhiệm vụ képvừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo an sinh xã hội…

Trong Công tác khám, chữa bệnh và phát triển Y tế chuyên sâu, việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tiếp tục được nâng lên đặc biệt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh từng bước được nâng cao, công tác tiếp đón người bệnh, tinh thần thái độ phục vụ, công tác điều dưỡng có chuyển biến tích cực. Hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng cơ sở y tế “Xanh – Sạch – Đẹp”  được chú trọng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển hệ thống các Bệnh viện thực hiện định hướng y tế chuyên sâu gồm: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Gang Thép, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Mắt, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Bệnh viện Quốc tế. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, các bệnh viện tư nhân và bệnh viện ngành có đóng góp rất lớn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ba bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến Trung ương (BV Bạch Mai, Nội Tiết,  Phụ Sản, Nhi, BV Nhiệt đới và BV Tim Hà Nội), góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương. Các lĩnh vực Sản khoa, Nhi khoa, Tim mạch, Hồi sức cấp cứu, Chấn thương, Ung bướu có bước phát triển mạnh. 07 Bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2018. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh đã kết nối thanh toán, giám định với cổng giám định điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tỷ lệ trích chuyển dữ liệu điện tử  đúng thời gian  đạt trên  95 %; bình quân 6 tháng đầu năm 2020 đúng thời gian đạt 96,2%. Toàn ngành đã thực hiện thống kê báo cáo qua phần mềm Thống kê y tế điện tử, quản lý bệnh truyền nhiễm, quản lý tiêm chủng; cập nhật thông tin, văn bản thường xuyên lên trang Web của Sở Y tế; tổ chức triển khai một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; kết nối liên thông giữa phần mềm Quản lý thông tin xã, phường, thị trấn (HMIS) và Sổ theo dõi Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em phiên bản điện tử….

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn 2021 – 2025, Ngành y tế Thái Nguyên Tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt  Kế hoạch số 73- KH/TU ngày 26/12/2017 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Kế hoạch số 74- KH/TU ngày 26/12/2017 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Toàn ngành phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng tin học trong quản lý y tế và công khai minh bạch các hoạt động y tế; nâng cao năng lực phòng chống dịch, bệnh gắn với đổi mới, củng cố y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển mạnh mẽ các Trung tâm chuyên sâu; đổi mới tài chính y tế, phát huy cao độ tính tự chủ tài chính trong hệ thống khám chữa bệnh; huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho y tế, khuyến khích mạnh mẽ việc xã hội hóa y tế, thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân…./.

Soytethainguyen

Nguồn: Soytethainguyen

Bài viết liên quan