U vàng là sự lắng đọng lipid khu trú ở da. Tổn thương dạng sẩn (papule), mảng hoặc nodules trên da. U vàng ở da có thể vô căn hoặc là dấu hiệu của rối loạn lipid máu nguyên phát (có tính di truyền), tăng lipid máu thứ phát (do bệnh toàn thân hoặc thuốc, bệnh huyết học).
Việc điều trị u vàng ở da và đặc biệt là u vàng mắt xanthelasma cần phối hợp giữa điều chỉnh rối loạn lipid máu và phẫu thuật cắt bỏ tổn thương tại chỗ.
Dữ liệu về dịch tễ u vàng ở da còn hạn chế. Xanthelasma – thể thường gặp nhất của u vàng ở da, có tỷ lệ lưu hành từ 1 – 4 % trong dân số. U vàng ở da thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, tỷ lệ nam và nữ không có sự khác biệt. U vàng liên quan đến hội chứng tăng cholesterol máu gia đình thường khởi phát trước 10 tuổi.
Chất mỡ không tan trong nước, vì vậy trong máu chúng sẽ được vận chuyển dưới dạng là lipoprotein. Các loại lipoprotein gồm: chylomicrons, lipoprotein trọng lượng rất thấp (VLDL), lipoprotein có trọng lượng thấp (LDL), lipoprotein có trọng lượng cao (HDL). Tất cả các lipoprotein có vai trò gây nên các bệnh rối loạn chuyển hóa lipid trong đó có bệnh u vàng. Sự biến đổi của các lipoprotein có thể là do khiếm khuyết di truyền như bệnh tăng mỡ máu tiên phát hoặc xảy ra thứ phát sau các bệnh đái tháo đường, suy giáp, hoặc hội chứng thận hư, nghiện rươu. Các thuốc có thể dẫn đến tăng lipid máu (thường là tăng triglyceride máu) bao gồm estrogen, tamoxifen, prednison, retinoids uống, cyclosporine, olanzapine, nilotinib và thuốc ức chế protease.
Chẩn đoán phân biệt u vàng phụ thuộc vào thể lâm sàng. Sinh thiết da có thể chỉ định phân biệt u vàng ở da với các rối loạn khác.
Xanthelasma: u vàng ở da phổ biến nhất, nên được phân biệt với các nguyên nhân khác gây sẩn quanh mắt:
– Tăng sản tuyến bã.
– U ống tuyến mồ hôi.
– BCC thể u.
– Juvenile xanthogranuloma
U vàng thể phẳng nên được phân biệt với xanthogranuloma necrobiotic (NXG). NXG là một bệnh mô bào không do Langerhans thường liên quan đến bệnh lý giao tử đơn dòng. Bệnh nhân bị NXG thường phát triển các sẩn hoặc mảng da màu đỏ nâu, tím, hoặc vàng nhạt, quanh bụng hoặc các vị trí khác
U vàng thể phát ban cần phân biệt với u hạt hình vòng: sẩn hoặc mảng màu da trên thân và tứ chi
U vàng thể gân và củ cần phân biệt với các hạt thấp, hạt tophi, u hạt hình vòng dưới da và hồng ban nổi cao dai dẳng.
U hạt thể sùi ở niêm mạc miệng và bộ phận sinh dục có thể bị nhầm lẫn lâm sàng với sùi mào gà, u nhú miệng, ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy.
Phương pháp điều trị
– Tại chỗ: loại bỏ tổn thương, cải thiện vấn đề thẩm mỹ. Loại bỏ tổn thương u vàng bằng phương pháp phẫu thuật đang là phương pháp hiệu quả và được lựa chọn nhiều nhất.
– Toàn thân: điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa lipid, nhằm giảm tái phát và hạn chế các biến chứng do tăng lipid máu gây nên (giảm nguy cơ bệnh tim mạch, và điều trị tăng triglyceride sẽ ngăn ngừa viêm tụy). Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống.
Tóm lại, bệnh u vàng da là một bệnh khá phổ biến. Việc điều trị cần kết hợp nội khoa và ngoại khoa. Điều quan trọng nhất là phải chú ý điều chỉnh mỡ máu cho bệnh nhân để tránh tái phát. Bệnh viện A Thái Nguyên luôn học hỏi và áp dụng những phương pháp điều trị tốt nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất đem đến với người bệnh khi tham gia các dịch vụ y tế tại Bệnh viện.
Vũ Thị Hậu
Bệnh viện A
Nguồn: Soytethainguyen