I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ung thư vú (UTV) và ung thư cổ tử cung (UTCTC) là hai loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới: UTV là 29,9/ 100.000; UTCTC là 10,5/100.000. Cả hai bệnh hay gặp ở phụ nữ này đều có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Ngày nay, tỷ lệ bệnh nhân UTV và UTCTC được phát hiện sớm ngày càng tăng, do đó khả năng chữa khỏi bệnh hoặc nâng cao chất lượng sống ngày càng tăng. Thái Nguyên là một tỉnh miền núi, nhận thức của phụ nữ về hai căn bệnh nói trên chưa được cao vì thế tỷ lệ chẩn đoán bệnh sớm còn rất thấp. Trong khi đó UTV và UTCT là hai bệnh có thể phòng và phát hiện sớm được tương đối hữu hiệu [1],[2]. Chúng tôi xuất phát từ điều kiện thực tế, tại Khoa Ung bướu Bệnh viện C Thái Nguyên đã chẩn đoán và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân UTV và UTCTC, nhiều trường hợp đã được cứu sống và thường xuyên đến tái khám. Dựa vào các bệnh nhân này (có khả năng tuyên truyền và thuyết phục phụ nữ trong cộng đồng hữu hiệu nhất), tuyên truyền kiến thức về UTV và UTCT cho các phụ nữ khác ở cộng đồng.
Mục Tiêu: Nâng cao nhận thức, phòng bệnh, khám phát hiện sớm UTV và UTCTC tại cộng đồng tỉnh Thái Nguyên.
II. GIẢI PHÁP
Đối tượng được tư vấn và hướng dẫn: Nhóm phụ nữ đã được khám phát hiện, chẩn đoán, điều bệnh UTV và UTCTC tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện C Thái Nguyên. (Bao gồm cả bệnh nhân đã được chữa khỏi và đang chữa bệnh). Đặc biệt là các bệnh nhân đã khỏi đến tái khám hoặc lĩnh thuốc nội tiết tại Bệnh viện. Các giải pháp được đặt ra như sau:
– Nâng cao hiểu biết về bệnh UTV và UTCTC
– Hướng dẫn cách tư vấn phòng bệnh UTV và UTCTC
– Hướng dẫn cách tuyên truyền và khuyến khích phụ nữ cộng đồng hiểu biết về UTV và UTCTC.
III. CÁCH THỨC TIẾN HÀNH
Bước 1: Thành lập câu lạc bộ các bệnh nhân UTV và UTCTC
- Thống kê, lấy tên, địa chỉ, điện thoại của bệnh nhân
- Các bệnh nhân lấy số và địa chỉ liên lạc và chia xẻ về bệnh của mình
- Gặp mặt bằng cách hẹn tái khám vào một ngày nhất định
Bước 2: Thành lập nhóm tuyên truyền tư vấn gồm các bác sĩ, điều dưỡng của khoa Ung bướu bệnh viện C Thái nguyên.
- Tập huấn về chuyên môn
- Tập huấn kỹ năng tuyên truyền giải thích, thuyết phục
- Chẩn bị tài liệu, tờ rơi tuyên truyền
- Lập một số điện thoại cố định để bệnh nhân liên hệ và được tư vấn tại phòng khám bệnh ung bướu, có tổng đài trả lời tự động để bệnh nhân liên hệ khi không có người trực.
Bước 3: Tổ chức một buổi tuyên truyền tại hội trường Bệnh viện gồm các phụ nữ trên, có thể có thêm các đối tượng khác.
- Tư vấn về hai bệnh UTV và UTCTC, giải đáp thắc mắc băn khoăn cho các bệnh nhân.
- Tầm quan trọng về phòng bệnh(tự khám vú, tiêm phòng HPV…)
- Hướng dẫn bệnh nhân tìm tài liệu, tự tìm hiểu, tuyên truyền
- Tư vấn tiêm phòng, khám phụ khoa và làm xét nghiệm PAP…
- Phát tờ rơi tuyên truyền về hai bệnh UTV và UTCTC
- Hướng dẫn các phụ nữ tuyên truyền ở hội phụ nữ xóm, các phụ nữ khác trong cộng đồng quanh nơi bệnh nhân cư trú, trong dòng họ mỗi dịp lễ tết, giỗ, lễ hội khi về quê…. ( Tuyên truyền trong dòng họ rất hữu hiệu do phụ nữ được biết UTV có tính chất gia đình)
Bước 4: Thực hiện việc làm thường quy và duy trì
- Phân công 1 bác sỹ và một điều dưỡng hàng ngày có nhiệm vụ công tác tại phòng khám phát hiện ung thư sớm của bệnh viện (22/30 ngày trong tháng) có trách nhiệm tư vấn tuyên truyền và phát tờ rơi cho các đối tượng đến khám hàng ngày (đây là việc làm thuộc trách nhiệm của mỗi bác sỹ điều dưỡng tại phòng khám bệnh).
- Hướng dẫn người bệnh tuyên truyền cho chị em họ hàng, cộng đồng nơi cư trú và hội phụ nữ xóm, đi khám phát hiện ung thư sớm.
- Hội phụ nữ xóm có đề xuất yêu cầu đến nói chuyện tại xóm làm một chủ đề sinh hoạt phụ nữ, cử bác sỹ đi về tận xóm nói chuyện và tuyên truyền.
Bước 5: Cung cấp dịch vụ
- Các phụ nữ có nhu cầu khám phát hiện sớm được cung cấp dịch vụ ngay tại phòng khám khoa ung bướu sẵn có.
- Cung cấp dịch vụ xét nghiệm tế bào, khám phụ khoa, làm xét nghiệm PAP, chụp mammo… các xét nghiệm khác ngay tại bệnh viện đã có sẵn.
Bước 6: Đánh giá hiệu quả và giám sát
- Ghi nhận các trường hợp đến khám, làm dịch vụ phát hiện sớm ung thu vú và UTCTdo nhận thức được từ việc tuyên truyền. Bệnh nhân nào đã tư vấn cho đối tượng đến khám.
- Đánh giá tỷ lệ bệnh nhân UTV và UTCTC được chấn đoán và chẩn đoán sớm trong 3 năm tại khoa Ung bướu từ khi thực hiện đề án, so sánh tỷ lệ tương ứng 5 năm về trước ( đã có thống kê).
- Sơ kết 6 tháng một lần, tổng kết sau 3 năm
- Giám sát: Trưởng phó khoa Ung bướu là người trực tiếp duyệt kế hoặc, phân công nhiệm vụ và giám sát việc thực hiện các công việc trên.
- NGUỒN KINH PHÍ: Để thực hiện được việc làm trên, nguồn kinh phí không cần lớn lắm, chủ yếu là mua một điện thoại trả lời tự động, in tờ rơi ( không quá 10 triệu VND/ năm). Các dịch vụ khác như tư vấn là nhiệm vụ của các bác sỹ và điều dưỡng hàng ngày và dựa vào tinh thần trách nhiệm, tự nguyện, các xét nghiệm và dịc vụ khác đã được bảo hiểm chi trả ( chụp mammo, xét nghiệm PAP, khám phụ khoa, khám vú…)
KẾT LUẬN
Với các nhận thức về UTV và UTCTC; các ý tưởng và cách thức tiến hành; đánh giá hiệu quả như trên, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho các phụ nữ tại cộng đồng về bệnh UTV và UTCT. Mục tiêu: làm tăng tỷ lệ chẩn đoán sớm UTV và UTCTC. Ý tưởng đơn giản, dễ thực hiện và có tính khả thi rất cao trong điều kiện về nhân lực và vật lực của Bệnh viện C Thái Nguyên. Trên thực tế, các bác sỹ, điều dưỡng khoa Ung Bướu Bệnh viện C Thái Nguyên vẫn đã và đang thực hiện các việc trên 8 năm nay chưa hề có nguồn kinh phí riêng nào. Hy vọng với việc làm như trên sẽ đem lại hiệu quả, làm giảm tỉ lệ chết do bệnh UTV và UTCTC cho phụ nữ các dân tộc trong tỉnh. Góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh ung thư nói chung , UTV và UTCTC nói riêng.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y Tế (2012), Giới thiệu một số bệnh ung thư thường gặp, Nhà Xuất bản Y học, tr. 166 – 198.
2. Đoàn Văn Khương (2015), Nghiên cứu định típ, độ mô học và một số yếu tố tiên lượng ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung, Luận án tiến sỹ y học, Đại học Y Hà Nội.
TS, BS. Đoàn Văn Khương
(Trưởng khoa ung bướu – Bệnh viện C Thái Nguyên)
Nguồn: Soytethainguyen