“Sỏi đường tiết niệu” và“Dọa sảy thai, dọa đẻ non” là các chuyên đề được trao đổi và bàn luận tại sinh hoạt khoa học giữa Bệnh viện A Thái Nguyên phối hợp với TTYT Phú Lương tổ chức ngày 03/10/2019 tại TTYT Phú Lương. Hoạt động nằm trong kế hoạch nhiệm vụ chỉ đạo tuyến của Bệnh viện A năm 2019.Tham dự sinh hoạt khoa học có đại diện ban lãnh đạo trung tâm cùng toàn thể cán bộ y tế của đơn vị.

Đẻ non là điều không thai phụ nào mong muốn, do vậy phụ nữ khi mang thai cần hết sức để ý đến từng thay đổi nhỏ của cơ thể. Đặc biệt những dấu hiệu dọa sảy thai, dọa đẻ non cần được nhận biết sớm để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo sự sống cho cả mẹ và con.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đẻ non là cuộc chuyển dạ xảy ra từ tuần thứ 22 đến trước tuần 37 của thai kỳ tính theo kinh cuối cùng. Tại Việt Nam, chưa có thống kê trên toàn quốc, nhưng theo những nghiên cứu đơn lẻ, tỷ lệ đẻ non khoảng 8-10%.

Với ý nghĩa thực tiễn đó BS CKII Vũ Thùy Dương- Phó Trưởng khoa Sản bệnh viện A đã cùng với các cán bộ y tế của TTYT Phú Lương trao đổi và phân tích các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dọa đẻ non, các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng để giúp các cán bộ y tế chẩn đoán kịp thời dọa đẻ non trong quá trình mang thai của thai phụ để từ đó có có phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Trong buổi sinh hoạt khoa học báo cáo viên cũng đưa ra bảng chỉ số các yếu tố để tiên lượng dọa đẻ non, dựa theo những chỉ số này các cán bộ y tế có sơ sở để đình chỉ ca chuyển dạ thành công. BS CKII Vũ Thùy Dương cùng với cán bộ y tế của trung tâm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để đưa ra những phác đồ điều trị kịp thời, phù hợp nhất với tình hình đơn vị. Để giúp giảm tỷ lệ đẻ non một cách hữu hiệu thì vấn đề dự phòng dọa đẻ non là vấn đề cần thiết. Công việc này cần phải được thực hiện tại cộng đồng hoặc các bác sỹ gia đình, hay cán bộ y tế cơ sở do đó cần cung cấp kiến thức cho những phụ nữ mang thai biết những dấu hiệu của thai nghén bình thường, từ đó khi có dấu hiệu không bình thường như ra dịch hồng âm đạo hoặc đau lưng, hoặc đau bụng bất thường nên đến khám ngay ở cơ sở y tế, đây là điều kiện rất tốt để giảm tỷ lệ đẻ non qua đó cho thấy vai trò của cán bộ y tế cơ sở là rất quan trọng và cần thiết.

Trong buổi sinh hoạt khoa học các học viên còn được BS CKI Vi Thị Huyền Trang- BS Khoa Sản Bệnh viện A trang bị kiến thức về dọa sảy thai. Gọi là sẩy thai khi thai bị tống xuất ra khỏi buồng tử cung, chấm dứt thai kỳ trước tuổi thai có thể sống được một cách độc lập bên ngoài tử cung (ngay cả khi có sự can thiệp của y tế). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Sẩy thai khi thai bị tống xuất ra khỏi buồng tử cung trước tuần thứ 22 của thai kỳ hoặc trọng lượng nhỏ hơn 500 gam. Sẩy thai sớm là trường hợp sẩy thai trước 12 tuần và sẩy thai muộn là từ 12-20 tuần. Cùng với kinh nghiệm thực tế làm lâm sàng báo cáo viên đã cùng với cán bộ y tế của TTYT Phú Lương trao đổi kiến thức về những nguyên nhân dẫn đến dọa sẩy thai, những dấu hiệu để chẩn đoán xác định bệnh lý sẩy thai hay các yêú tố làm cơ sở để cán bộ y tế chẩn đoán sẩy thai phân biệt với dọa sẩy, chửa ngoài tử cung, chửa trứng hay thai lưu…. giúp cán bộ y tế có phác đồ điều trị hợp lý và phù hợp nhất, tự tin hơn trong quá trình điều trị bệnh. Quá trình mang thai là hết sức thiêng liêng và cao cả để giúp các thai phụ vượt cạn thành công thì cần trang bị kiến thức cần thiết và đầy đủ nhất để tránh những điều không mong muốn cho thai phụ và người thân đây là công việc và trách nhiệm của người cán bộ y tế.

Tại buổi sinh hoạt khoa học BS CKII Nguyễn Đức Trường -Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện A cũng đã trao đổi chuyên đề “Sỏi đường tiết niệu”. Sỏi đường tiết niệu là bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, chiếm 5-10% dân số, sỏi tiết niệu rất dễ tái phát nên sau điều trị, việc tìm nguyên nhân sinh sỏi để phòng ngừa sỏi tái phát là vô cùng quan trọng,báo cáo viên nhấn mạnh. Sỏi đường tiết niệu bao gồm: Sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản do đó để tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý là vô cùng cần thiết,tại hội thảo các học viên đã được báo cáo viên phân tích các nguyên nhân dẫn đến sỏi đường tiết niệu từ đó đưa ra chẩn đoán phù hợp nhất để có phác đồ điều trị và hướng xử trí,chăm sóc thành công. Bên cạnh đó BS CKII Nguyễn Đức Trường chia sẻ các kiến thức để phòng bệnh sỏi đường tiết niệu.Hiện nay tại Bệnh viện A đã tiến hành áp dụng phương pháp: Nội soi tán sỏi qua da và Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống mềm, đây là những kỹ thuật không gây đau đớn, thời gian thực hiện kỹ thuật nhanh và đạt được hiệu quả cao nhất với người bệnh.
Kết thúc buổi hội thảo thay mặt cho Đảng ủy, Ban giám đốc TTYT huyện Phú Lương BS CKI Trần Ngọc Tuyết – Phó giám đốc trung tâm cảm ơn đoàn công tác của Bệnh viện A Thái Nguyên và mong muốn sẽ được Bệnh viện A tiếp tục giúp đỡ trong công tác chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp cán bộ y tế tại trung tâm tự tin hơn trong quá trình khám điều trị và chăm sóc bệnh nhân hướng tới sự hài lòng của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại đơn vị./. 

Phương Thúy
(Bệnh viện A Thái Nguyên)

Nguồn: Soytethainguyen

Bài viết liên quan